Khiến Việt Nam thiệt hại 40.000 tỷ, Yagi đi 2.000km lại hồi sinh: "Quái vật" hoành hành ít nhất 3 ngày nữa

Trang Ly |

Người ta sẽ còn nói về bão Yagi (bão số 3) nhiều năm về sau nữa bởi những bất thường và hậu quả mà nó gây ra.

Yagi khiến Việt Nam thiệt hại 40.000 tỷ, đi 2000km lại hồi sinh: "Quái vật" hoành hành ít nhất 3 ngày nữa - Ảnh 1.

Ảnh người phụ nữ lội trong nước lũ khi bão Yagi (bão số 3) đi vào Hà Nội, Việt Nam. Nguồn: EPA-EFE/LUONG THAI LINH.

10 ngày đã trôi qua sau khi bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) đổ bộ miền Bắc nước ta, các chuyên gia khí tượng của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn bàn luận về cơn bão mạnh nhất trong 30 năm tại khu vực Biển Đông này.

Theo PGS. TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão số 3 (bão Yagi) bất tuân những quy luật thông thường: 

Thứ nhất, Yagi là cơn bão tăng cường độ rất nhanh. Chỉ trong vòng 24 giờ, Yagi đã tăng 8 cấp, và rồi duy trì cấp Siêu bão trong thời gian dài.

Thứ hai, mức độ giảm cấp của bão Yagi cũng bất thường. Lẽ thường, khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão sẽ yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 Yagi cường độ của nó không giảm nhanh mà vẫn giữ cấp 12-13 khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng.

Thứ ba, thời gian lưu bão trên đất liền tại Việt Nam kéo dài (đến 12 giờ liên tục) và gây mưa lớn kỷ lục khiến 20/25 tỉnh, thành phía Bắc nước ta xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Riêng tại thủ đô Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm.

Đây là những nhận định cùng chung quan điểm của các chuyên gia khí tượng cấp cao của Việt Nam với các chuyên gia khí tượng của Nhật Bản và Trung Quốc.

Điểm bất thường thứ tư mà báo chí quốc tế như CNN, BBC, The Guardian vẫn tiếp tục thông tin, đó là: Sau khi đi sâu vào đất liền, tàn dư của bão Yagi vẫn tiếp tục gây mưa lớn (làm ngập lụt) ở nhiều khu vực của Đông Nam Á. 

Không dừng ở đó, trải qua chặng đường dài gần 2.000km, cơn bão Yagi đến ngày 14/9 vẫn còn tàn dư và đã hồi sinh thành một áp thấp nhiệt đới mới, có khả năng gây mưa cho Ấn Độ.

Cụ thể, Business Today (Ấn Độ) cho biết, tàn dư của Bão Yagi đã mạnh trở lại, phát triển thành một vùng áp thấp mới vào ngày 14/9. Times Now News (Ấn Độ) thông tin, vùng áp thấp này tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ngày 16/9 và di chuyển hướng về phía Delhi, có khả năng gây mưa tại khu vực này từ ngày 17 đến ngày 20/9.

Các nhà khoa học cho biết bão và lốc xoáy đang trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Nước biển ấm hơn có nghĩa là bão hấp thụ nhiều năng lượng hơn, dẫn đến tốc độ gió cao hơn. Không khí ấm hơn cũng có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến lượng mưa lớn hơn.

Hành trình của Yagi

- Ngày 1/9/2024, Yagi hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

- Ngày 2/9, Yagi đã đổ bộ vào Đảo Luzon ở Philippines với cường độ cấp 8.

- Ngày 6/9, Yagi đổ bộ tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ở cấp độ siêu bão (cấp 17).

- Ngày 7/9, Yagi đổ bộ Việt Nam ở cấp siêu bão.

- Ngày 8/9, Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Sơn La, Việt Nam. Rồi tiếp tục gây ảnh hưởng đến Thái Lan, Myanmar và Lào.

- Ngày 14/9: Yagi hồi sinh, có khả năng gây mưa lớn cho Ấn Độ.

Nguồn: Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA)


BÃO YAGI: HÀNG TRIỆU NGƯỜI VẪN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI TÀN DƯ CỦA NÓ

BBC cho biết, Yagi đã chứng tỏ sức tàn phá khủng khiếp khi quét qua Philippines, Trung Quốc (đảo Hải Nam), Việt Nam, Lào... Mặc dù cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới kể từ khi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam nhưng nó vẫn tiếp tục gây ra các trận lở đất chết người trên khắp Đông Nam Á.

CNN thông tin, sau khi tấn công Philippines, khiến hơn chục người thiệt mạng, cơn bão di chuyển về phía tây tới miền nam Trung Quốc (đảo Hải Nam) và ngay sau đó là miền Bắc của Việt Nam, tiếp đó đến Thái Lan, Myanmar và Lào. Hàng triệu người ở cả 6 quốc gia châu Á này vẫn đang vật lộn vì bão Yagi.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9/2024, Yagi và hoàn lưu sau bão khiến 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương.

Về tài sản, bão Yagi gây thiệt hại tổng 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc Việt Nam, trong đó có 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; gây thiệt hại hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị gãy đổ, Tạp chí Con số Sự kiện (thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Tại Thái Lan, những trận mưa lớn cũng gây ngập lụt ở tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan, nhấn chìm nhiều ngôi nhà và làng ven sông, khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn. Reuters dẫn lời chính quyền địa phương đưa tin, ít nhất 33 người đã thiệt mạng trên khắp Thái Lan kể từ giữa tháng 8/2024 do các sự cố liên quan đến mưa lớn, trong đó có ít nhất 9 người tử vong sau cơn bão Yagi.

'Quái vật' Yagi: Đi qua 2000 km từ suy yếu lại hồi sinh - tàn dư vẫn gây chết người, thiệt hại tỷ đô - Ảnh 2.

Dân làng lội qua dòng nước lũ sâu tới thắt lưng ở Taungoo thuộc vùng Bago của Myanmar vào ngày 12 tháng 9 năm 2024. Nguồn: Sai Aung/AFP/Getty Images

Tại Myanmar, cách đây vài giờ, tờ The Guardian (Anh) thông tin, những trận mưa lớn do bão Yagi gây ra đã và đang tàn phá khắp các khu vực Đông Nam Á, khiến ít nhất 113 người ở Myanmar đã thiệt mạng. Tờ báo của Anh nhận định Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ tại châu Á năm 2024 tính cho đến nay.

Theo bản tin đêm khuya trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Myanmar MRTV, người phát ngôn chính phủ Zaw Min Tun cho biết, ít nhất 320.000 người đã phải di dời và 64 người vẫn mất tích. Truyền thông nước này cũng đưa tin rằng 5 con đập, 4 ngôi chùa và hơn 65.000 ngôi nhà đã bị phá hủy do lũ lụt.

Tham khảo: Trung tâm DB KTTV Quốc gia, BBC, The Guardian, Cục Khí tượng Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại