Người được nhắc đến chính là trường hợp vua Lý Thái Tổ (974-1028).
Lý Thái Tổ tên huý là Lý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông từng làm việc trong triều đình Tiền Lê ở Hoa Lư. Sau này, đến thời Lê Long Đĩnh, ông được phong làm Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân vệ binh của vua).
Cũng trong thời gian làm quan nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn được vua Lê Đại Hành gả công chúa Lê Thị Phất Ngân (con gái vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga).
Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh qua đời, Lý Công Uẩn được suy tôn làm vua, lập ra nhà Lý, trở thành một trong những vị minh quân có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Việt Nam. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đây là bước ngoặt lịch sử với dân tộc, mở ra thời kỳ mới cho nước nhà.
Trong 20 năm trị vì, Lý Thái Tổ là vị vua có nhiều hoàng hậu nhất nhà Lý nói riêng, lịch sử phong kiến Việt Nam nói chung. Cụ thể sau khi lên ngôi ông đã lập đến 6 hoàng hậu. Đến năm 1016, vị vua này tiếp tục lập thêm 3 hoàng hậu nữa, nâng tổng số hoàng hậu của mình lên con số 9. Tuy nhiên, tên tuổi của từng hoàng hậu đến nay không còn được ghi chép cụ thể.
Theo sử sách, ngoài vua Lý Thái Tổ, cả 9 đời vua triều đại nhà Lý cũng đều lập nhiều hoàng hậu. Trong đó người ít hoàng hậu nhất là vua Lý Thần Tông với 3 hoàng hậu.
Nói về lý do các vua triều Lý lại lập nhiều hoàng hậu, theo cuốn Kể chuyện chốn hậu cung, chế độ đa thê được kế thừa từ thời nhà Tiền Lê. Khi đó, tuy chính quyền trung ương đã được thiết lập nhưng nhiều nơi, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và nơi xa kinh thành vẫn chưa một lòng hướng về triều đình.
Để ổn định thế cục, hạn chế nội chiến, các vua nhà Tiền Lê và Lý chọn con gái hoặc em gái của các tộc trưởng lên làm hoàng hậu. Đó chính là sự coi trọng của nhà vua với các thế lực trong ngoài, đản bảo sự chia quyền, các thế lực tự khống chế lẫn nhau và bớt áp lực cho chính quyền trung ương.