Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2

Nguyệt Phạm |

Dù đã trải qua 15 thế kỷ, nhưng cây bồ đề này vẫn xanh tốt.

Nội dung chính

  • Cây bồ đề cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam
  • Cây bồ đề và những công dụng ít người biết

Cây bồ đề 1.500 năm tuổi ở gần Hà Nội

Theo Người đưa tin, người dân thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng vẫn luôn tự hào về "báu vật" nghìn tuổi ở quê hương mình. Đó là một cây bồ đề cổ thụ đã đồng hành cùng lịch sử địa phương suốt nhiều thế kỷ, chứng kiến bao biến động thăng trầm nhưng vẫn xanh tươi, khẳng định sức sống mãnh liệt của mình.

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 1.

Hình ảnh cây bồ đề 1.500 tuổi ở chùa Đót Sơn. (Ảnh: Người Đưa tin)

Tọa lạc tại chùa Đót Sơn, thôn Quan Bồ, cây bồ đề này theo ước tính của các nhà khoa học đã 1.500 tuổi. Từ văn bia của chùa và theo Dư địa chí Hải Phòng, chùa Đót Sơn được xây dựng khoảng thế kỷ V - VI. Ban đầu chùa có tên là Chuyết Sơn, đến thế kỷ thứ X được đổi tên thành chùa Non Đông.

Vào thế kỷ XV, trong lần vãn cảnh chùa Non Đông, vua Lê Thánh Tông đã có bài thơ viết tại đây và được lưu lại trong văn bia của chùa. Sau đó, chùa được đổi tên thành chùa Đót Sơn và giữ tên gọi đó đến ngày nay.

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 2.

Chùa Đót Sơn nằm ở thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng. (Ảnh: Facebook Chùa Đót Sơn)

Còn về cây bồ đề cổ thụ, theo người dân kể lại là do các vị sư người Ấn Độ đem từ quê hương sang trồng tại đây. Cây có nhiều đặc điểm như cọng lá dài, to và dày hơn so với cọng của lá cây bồ đề thường thấy ở Việt Nam, quả khi chín vỏ màu đỏ sẫm và ăn rất ngọt.

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 3.

Đường kính thân cây lên tới gần 2 m phải 4 - 5 người lớn mới ôm xuể. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Dù đã trải qua 15 thế kỷ, cây bồ đề ở chùa Đót Sơn vẫn rất xanh tốt. Đường kính thân cây lên tới gần 2 m phải 4 - 5 người lớn mới ôm xuể. Tán cây vươn đều quanh gốc, xòe rộng theo hình mâm xôi bao phủ diện tích khoảng 300 m2. Những nhánh cây vẫn phát triển tốt qua cả ngàn năm

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 4.

Cây bồ đề ở chùa Đót Sơn đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2015. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2015. Theo chuyên trang An ninh Hải Phòng, để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25 m, chu vi trên 15 m), có hình dáng đặc sắc.

Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét.

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 5.

Dù đã trải qua 15 thế kỷ, cây bồ đề ở chùa Đót Sơn vẫn rất xanh tốt. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cây bồ đề ở chùa Đót Sơn phản ánh sự liên kết mạnh mẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đến nay cây vẫn luôn nhận được sự chăm sóc, yêu mến từ cộng đồng địa phương, người dân thôn Quan Bồ, với mong muốn giữ gìn và bảo vệ "báu vật" của mình.

Vì sao cây bồ đề thường được trồng trong các đền, chùa?

Cây bồ đề thường xuất hiện ở các chùa, đền thờ. Bởi với những người xuất gia cây bồ đề có một ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc. Quan niệm này được lấy theo Ấn Độ giáo, Kì na giáo và Phật giáo. Tương truyền rằng thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền định dưới một gốc cây bồ đề và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật.

Bồ đề còn có tên gọi khác là cây giác ngộ, cây đề và có tên khoa học là Ficus Religiosa. Cây là một loài thuộc chi Ficus (Đa đề). Nguồn gốc xuất xứ của cây bồ đề ở tây nam Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Dương về phía đông tới Việt Nam.

Bồ đề là cây thân gỗ lớn, khi được chăm sóc tốt cây có thể đạt kích thước lớn với chiều cao lên tới hơn 30m và thân có đường kính cỡ 3m. Thân cây có lớp vỏ ngoài xù xì tạo thành vảy, màu nâu hoặc màu nâu xám và lớp gỗ bên trong cứng cáp, chắc chắn. Cây bồ đề có đặc điểm phân cành phân nhánh nhiều, và từ thân chính mọc ra rất nhiều rễ phụ dài dần cắm xuống đất, tán lá rất rộng và rậm rạp.

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 6.

Bồ đề là cây thân gỗ lớn, khi được chăm sóc tốt cây có thể đạt kích thước lớn với chiều cao lên tới hơn 30m. (Ảnh: Nấm lim xanh)

Cây có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Với đặc tính ưa sáng, dễ thích nghi nên tại Việt Nam, bồ đề được trồng ở khắp các vùng miền.

Lá bồ đề là kiểu lá đơn, mọc cách nhau. Có dạng hình trái tim, đầu lá nhọn và kéo dài. Lá cây khi non có màu nhạt hơi đỏ và sẽ chuyển sang màu xanh đậm hơn khi già. Bề mặt nổi lên những đường gân hình chân chim tạo nên sự đặc trưng cho lá. Độ dài cuống cây bồ đề tầm 6 – 10cm, kích thước chiều rộng 4,5cm và chiều dài tính từ đầu lá cho tới cuống khoảng 2- 5cm.

Là cây thường xanh bán mùa, rụng lá vào những ngày mùa thu nhưng dù có rụng thì trên cây vẫn luôn có những chiếc lá màu xanh.

Hoa thường được xếp thành các cụm và mọc ngay ngọn, mang một mùi thơm nhẹ nhàng. Khi nhìn từ bên ngoài, hoa có màu trắng xen kẻ thêm các lông tơ vàng. Quả của cây có dạng hình cầu với kích thước khá nhỏ, mọc thành các chùm và hầu như chúng không có cuống. Khi quả còn non, thường có màu xanh nhưng khi quả chín thì chuyển sang màu tím rất đặc trưng.

Tại Việt Nam, cây bồ đề được trồng nhiều nhất tại một số vùng rừng núi, trung du như Thanh Hóa, Lai Châu, Nghệ An, Hoàng Liên Sơn, Sơn La…

Kỳ lạ cây bồ đề 1.500 tuổi ở gần Hà Nội: Đường kính thân 4 người mới ôm xuể, tán phủ diện tích 300m2 - Ảnh 7.

Nhựa cây bồ đề có nhiều công dụng khác nhau. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Cây bồ đề là loài cây chứa một số thành phần hóa học như: 1.38% vanillin, 2.75% acid cinnamic, 26.13% benzoic, 4.24% benzyl benzoat, 1.23% benzyl cinnamart... Ngoài ra còn chứa chất keo khoảng 70% - 80%. Do cây bồ đề có vị đắng, cay và tính bình nên cây có một sô công dụng giúp an thần, khai khiếu, hoạt huyết và hành khí. Nhựa cây bồ đề còn được gọi là an tức hương, nhựa thường có màu vàng cam và bóng như sáp khi để lâu nhựa sẽ có màu nâu vàng.

Ngoài ra, từ nhựa cây bồ đề, người ta còn chế thành nước hoa có mùi thơm rất đặc biệt. Nhựa bồ đề còn có thể chế biến thành cao su cứng. Loại nhựa này được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp nước ta.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại