Ngay cả khi chức tước lên đến cực phẩm, là yếu nhân trong cả hoàng triều và vương phủ nhưng trước sau ông vẫn giữ trọn đạo bề tôi trung tín, biết cương nhu tiến thoái, được đương thời và hậu thế mộ ái.
Khoa bảng từ nếp nhà nho
Ông là Nhữ Đình Toản (1702 - 1774) quê xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là một trong những nhân vật trọng yếu của triều Lê trung hưng, không chỉ có công điều hành chính sự, mà còn là người góp phần không nhỏ trong việc đào tạo hiền tài, khôi phục văn chương thi cử theo hướng tiến bộ.
Sinh ra trong gia đình khoa bảng với những vị Tiến sĩ lừng danh như Nhữ Tiến Dụng, Nhữ Tiến Hiền, Nhữ Trọng Thai… Nhữ Đình Toản tuổi trẻ thông minh nhưng năm 18 tuổi (1719) làm văn mắc lỗi nên năm 26 tuổi mới được đi thi. Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có ghi: “Đình Toản lúc trẻ đã thông minh, việc học hỏi sẵn nếp nhà. Năm 18 tuổi vì văn mắc lỗi, rồi vì đó được nổi tiếng”.
Trong khoa thi Hương ông đỗ Á nguyên, do tập ấm được cho giữ chức Tự thừa. Năm 34 tuổi, ông thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), dưới triều vua Lê Ý Tông.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này có đoạn: “Mùa xuân tháng 3 năm Bính Thìn, chuẩn lời tâu của bộ Lễ xin mở khoa thi Hội. Đặc sai Phó tướng Tả Đô đốc Cảnh Quận công Trịnh Diễn làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư Ngô Đình Thạc làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lại bộ Hữu thị lang Dương Lệ, Hộ bộ Hữu thị lang Phạm Minh làm Giám thí. Qua trường bốn lấy bọn Nhữ Đình Toản 15 người trúng cách. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Trịnh Huệ đỗ Cập đệ, Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi”.
Năm 1738, Nhữ Đình Toản bắt đầu con đường quan lộ. Năm Tân Dậu (1741), vì có công trong việc dụ dư đảng của Nguyễn Tuyển ra đầu hàng nên Nhữ Đình Toản được bổ chức Tuần phủ. Đầu thời Lê Hiển Tông, ông từ chức Tự khanh được thăng lên làm Tham tụng. Lúc đó Đàng Ngoài có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, triều đình nhiều việc, Nhữ Đình Toản cùng 2 vị lão thần được giao đảm đương việc nội trị.
Năm Giáp Tý (1744), Nhữ Đình Toản được chúa Trịnh Doanh gọi vào phủ giao cho việc quân cơ trọng yếu, tham lý quốc chính. Kể từ đó, ông thường điều trần những việc nên làm và rất xứng ý chúa.
Sửa lối thi, giữ chính trị
Tháng 3 năm Tân Mùi (1751), chúa Trịnh cho tổ chức thi Cống sĩ. Sau khi đọc đề thi mà Ngô Đình Oánh ra đầu bài, thấy lối văn rườm rà, lại chia hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản đã xin chúa cho sửa đổi thi cử và văn chương lúc bấy giờ.
Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi rằng: “... Khoảng năm Chính Hòa (1680 -1704) bàn khôi phục lại thể văn đời Hồng Đức, Vũ Thạnh và Ngô Vi Thực kế tiếp nhau đứng ra chấn chỉnh, nhưng chung quy cũng không sao bỏ được lối văn trước.
Đến nay, thi lại, bọn Ngô Đình Oánh ra đầu bài văn sách, lại chia ra hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi Hương, thi Hội và thi Đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh y theo”.
Tháng 6 năm đó (1751), vâng lệnh chúa Trịnh Doanh, Nhữ Đình Toản tham khảo điển lễ các triều trước, đem 9 điều dạy bảo cho các tướng phủ.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng ghi rằng: Tháng 6, chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị. Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực lục”.
Sau này, Nhữ Đình Toản tiếp tục được chúa trao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư Binh bộ.
Thời gian đảm nhiệm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhữ Đình Toản rất quan tâm đến việc dạy dỗ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Ông là người thầy có uy tín của nhiều học trò xuất sắc, như Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ - một nhà khoa bảng, nhà sử học, nhà văn nổi tiếng.
Năm Canh Thìn (1760), Trịnh Doanh đã giao cho ông giữ việc khảo xét, thưởng phạt các quan lại trong phủ. Ông luôn biết giữ mình, không a dua. Sử liệu ghi lại câu chuyện: “Tháng 3, khởi phục Lê Trọng Thứ giữ chức tả chính ngôn. Trọng Thứ là người chất phát, bộc trực, dám nói thẳng thắn, là một chỗ dựa vững chắc trong triều đình. Mùa thu năm trước, Trọng Thứ lấy cớ tuổi già xin về nghỉ.
Triều đình hạ chiếu cho thăng chức Tả thị lang bộ Hộ về hưu trí, nhưng Trịnh Doanh vẫn chú ý quyến luyến mãi nên lại có lệnh triệu vào chầu giữ chức Bồi tụng kiêm Tả chính ngôn.
Nhữ Đình Toản nói: “Phủ liêu giữ việc chính trị, Ngự sử đài giữ việc can ngăn, mỗi người đều có nhiệm vụ phải làm, nếu nay đem Trọng Thứ đặt vào công việc chính phủ, thì sự lầm lỗi ở triều đình lấy ai sửa chữa cho đúng đắn được?”. Vì thế mới không bổ vào giữ việc ở phủ liêu mà phong cho chức này”.
Chúa Trịnh Doanh vì trọng đãi Nhữ Đình Toản, đã cho đổi tên cho ông là Nhữ Công Toản và được ban cho bài thơ quốc âm: “Bấy lâu gang tấc chốn phong thần/ Lục dã phen này đượm thức xuân/ Hoa quốc mấy tài thêu vẻ gấm/ Lập triều đòi thuở nhắc đồng cân/ Máy sâu xướng tỏ về tri túc/ Gánh nặng còn dành sức trí thân/ Ưu ái niềm xưa tua nghĩa đấy/ Bên tai chi lãng tiếng thiều quân”.
Năm Nhâm Ngọ (1762), từ giữ chức Thượng thư Binh bộ, ông được đổi sang giữ chức Hiệu điểm. Sau này về nghỉ, được đặc ban Quốc lão, ông vẫn được chúa gọi ra làm quan nhưng Nhữ Đình Toản đã tìm mọi cách để từ chối. Ông mất năm Quý Tỵ (1773) ở tuổi 72.
Trong gần 35 năm, trải nắm nhiều chức vụ trọng yếu cả bên hoàng triều và vương phủ, lên đến cực phẩm cả ban văn ban võ, được quyến cố trọng dụng, ở ngôi tể phụ hơn mười năm, đương thời khen là bậc danh thần. Ở chức vụ nào ông cũng tròn vẹn, biết cương nhu, tiến thoái hợp nghi, được đương thời và hậu thế mộ ái.
Con trai Nhữ Đình Toản là Nhữ Công Chân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, sau làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, Hữu thị lang bộ Lễ.
Giai thoại tiền hóa thành đất
Trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có chép về chuyện lạ lùng này sau khi dẫn lại một cuốn sách khác, ông cho rằng đây như một điềm báo về việc hưng phát sự giàu có của một số người. Giai thoại này liên quan đến Nhữ Công Toản nói về việc tiền hóa đất xảy ra vào thời gian Nhữ Công Toản vẫn đang làm quan văn.
Cũng trong sách “Kiến văn tiểu lục” ghi chép về giai thoại kỳ lạ này theo lời kể của người trong cuộc như sau: “Viên Tham tụng, Bá Trạch hầu là Nhữ Công Toản nói, năm Đinh Tị (1737) niên hiệu Vĩnh Hựu, lúc ông ta ở nhà, trong họ có người cho là tiền hóa ra đất, ông ta vẫn không tin câu nói ấy.
Đến quãng tháng 5, ông ta đi lên kinh sư, giữa đường đi đến huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên) thấy vô số tiền bay, nhặt cướp lấy để xem thì Nguyễn Thông, Hồng Hóa, Chiêu Vũ, Lợi Dụng (là tên hiệu của tiền) rành rành không có đồng nào khác lạ, độ hơn một khắc đều biến thành đất hết cả, mà chữ vẫn còn nguyên vẹn. Như thế thì có lẽ vật quý báu cũng có lúc tiêu hóa chăng?”.
Tuy Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ quyền cao chức trọng và giàu có nhưng luôn thanh liêm, trong sạch, có tấm lòng nhân từ, độ lượng, mọi người tôn kính, tin tưởng hướng tới để tìm một sự che chở mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
“Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” ghi: “Trong vùng chẳng may gặp năm đói kém, hoàng tùng, dịch lệ, kỳ đảo đều linh ứng, gặp khi dịch khí lưu hành, các chi họ đều rước một đạo sắc của ông (Nhữ Đình Toản) về kỳ đảo, các chi tộc đều được bình yên”.
“Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” ghi chép về Tiến sĩ Nhữ Đình Toản: “Nhân khi ông mở dinh tại Học thôn (nay là Dinh Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, cách Hoạch Trạch một cánh đồng) gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”.
Vì vậy nhiều người cháu nội của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ lập ấp, mở làng, được nhân dân và con cháu trong họ ghi nhớ công lao.
Theo thông tin tại hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản - Con người và sự nghiệp”, hiện nay không chỉ dòng họ Nhữ đang lưu giữ các sắc phong, trước tác của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, mà một gia đình họ Nguyễn ở Hoạch Trạch 250 năm qua vẫn còn lưu giữ và bảo quản một kỷ vật do ông tặng, đó là chiếc gậy trúc đơn sơ mà Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã tặng cho cụ phụ lão thượng thọ nhất xã, khi cụ yêu cầu con cháu võng ra đình để chào đón vị Quốc lão được vua cho về trí sĩ. Đó là tấm lòng của người dân luôn kính trọng và biết ơn những người có công với đất nước, suy tôn là các bậc tiên hiền của quê hương.