Cái tên Bao Công, Bao Thanh Thiên, Bao Chửng cùng ba thanh trảm Long - Hổ - Cẩu... có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người qua các bộ phim truyền hình dài tập.
Thực tế, dưới thời Tống Nhân Tông - hoàng đế thứ tư của nhà Bắc Tống, Bao Công nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, xử án công bằng, không khiếp sợ uy quyền hay vị nể tư tình.
Trong mắt dân chúng, ông là hình mẫu của những quan chức ngay thẳng và lương thiện. Nhờ trí tuệ vượt trội của mình, ông đã giúp dân chúng đòi lại công bằng. Rất nhiều câu chuyện hay về Bao Công đã được ghi lại trong cuốn “Tống sử: Bao Chửng chuyện”.
Bao Công là người Lư Châu, Hợp Phì (tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày nay). Từ nhỏ, ông đã thể hiện là người xuất chúng. Lớn lên, tên tuổi và tài năng của ông được triều đình chú ý.
Sau một thời gian, Bao Công được triều đình cử đến huyện Thiên Trường (Trừ Châu, An Huy, Trung Quốc) làm Tri huyện.
Vì cha mẹ đã già và cần được chăm sóc, phụng dưỡng nên Bao Công không thể đảm nhận chức vụ ngay lập tức. Khi cha mẹ qua đời, ông chịu tang đủ thời gian thì mới bắt đầu nghĩ đến chuyện làm quan, nhận lời bổ nhiệm từ triều đình và trở thành Tri huyện. Bấy giờ, ông 38 tuổi.
Dù có nhiều giai thoại trong cuộc đời xử án của Bao Công nhưng chỉ có duy nhất một vụ án được chính sử ghi lại. Đó là vụ án Bao Công xử trong ngày đầu tiên nhậm chức.
BAO CÔNG XỬ ÁN: VỤ BÒ BỊ CẮT LƯỠI
Sách chép rằng, một người dân trong làng đến đánh trống kêu oan và thuật lại rằng con bò của ông đã bị cắt lưỡi.
Nghe chuyện, Bao Công tức giận vì không thể tin được lại có hành động tàn ác như vậy. Sau đó, ông đích thân đi đến chuồng bò và thấy con bò bị mất lưỡi không thể ăn uống và sắp chết.
Vào thời điểm đó, gia súc bị trộm là chuyện không hiếm nhưng việc bò bị cắt lưỡi là điều hiếm thấy. Đối với người nông dân nọ, con bò là tài sản lớn nhất. Sinh kế của cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nó.
Chứng kiến cảnh người nông dân khóc than vì sắp mất bò, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bao Công ra chỉ thị "ngược luật": "Nhà người hãy mổ thịt con bò ấy đi".
Chủ bò nghe vậy thì sửng sốt, bất ngờ. Vì trong các xã hội nông nghiệp cổ xưa, gia súc được coi là công cụ nông nghiệp quý giá. Để bảo vệ gia súc trong trang trại, luật nhà Tống nghiêm cấm giết mổ tư nhân, người vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Dù nghi ngờ khả năng phán đoán và kiến thức của Bao Công nhưng khi thấy mạng sống của con bò đang bị đe dọa (do bị cắt lưỡi), nên người chủ bò đành làm theo lệnh. Về nhà, âm thầm mổ thịt bò.
Không ngờ. Chỉ 2 ngày sau, có một kẻ đánh trống, tâu với Bao Công rằng người chủ bò kia đã lén giết gia súc. Hắn ta hí hửng rằng Bao Công sẽ trừng phạt người chủ bò thích đáng.
Bao Công thăng đường. Thẩm vấn liên tục tên này. "Tại sao nhà người biết việc nhà kia mổ bò?". "Phải chăng ngươi là kẻ đã cắt trộm lưỡi con bò?".
Đối mặt vẻ mặt nghiêm minh của Bao Công cùng những câu hỏi dồn dập, cuối cùng tên vô lại cũng cúi đầu nhận tội.
Hắn khai rằng, hắn ta có ác cảm với chủ bò do trước đó từng tranh chấp đất đai nên tức giận cắt lưỡi con bò, hòng làm mất kế sinh nhai của nhà họ.
Sự thật cuối cùng đã được Bao Công phát hiện và người tố cáo đã bị trừng phạt thích đáng.
Có thể ít người biết, mãi đến năm 57 tuổi, Bao Công mới nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong - nơi vốn được xem là "thủ đô" của Bắc Tống.
Tuy đảm nhiệm vị trí này không lâu nhưng Bao Công đã xử được nhiều vụ kỳ án, góp nhiều công lớn cho triều đình. Nhân gian cũng truyền tai nhiều câu chuyện về Bao Công gắn liền với Khai Phong phủ.
Tham khảo: Sohu