Vị Tiến sĩ mất chức vì mở kho thóc cứu dân

Trần Siêu |

Thân làm quan Tổng đốc, thấy dân mất mùa lưu lạc nên Phạm Thế Lịch cho mở kho thóc cứu đói.

Nhà thờ họ Phạm đại tôn xã Xuân Ninh - quê hương Tiến sĩ Phạm Thế Lịch.

Hành động vì dân vì nước nhẽ ra phải được khuyến khích khen thưởng, nhưng cuối cùng lại bị mất chức.

“Thối chí” sau nhiều lần thi trượt

Phạm Thế Lịch (sau đổi là Phạm Thế Trung) hiệu là Trác Phong - Chỉ Trai, sinh ngày 3/10 năm Tân Hợi (1791), mất năm Tự Đức 27 (1874). Ông quê làng Quần Mông, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường (nay là thôn Lạc Quần, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Sau mấy lần thi trượt, Phạm Thế Lịch không còn hào hứng với khoa danh, mặc cho người thân khuyên bảo hết lời. Thế nhưng sau khi đỗ Tiến sĩ, ông lại thể hiện tài năng và trở thành đại thần triều Nguyễn, hết lòng vì nước vì dân.

Phạm Thế Lịch xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ là bà Mai Thị Duyên - con gái Hương trưởng Mai Công Kỳ cùng làng, làm ruộng. Cha là ông Phạm Đình Kham làm nghề thuốc chữa bệnh.

Theo thông tin của nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, Phạm Thế Lịch có tiếng thông minh từ nhỏ, năm 7 tuổi đi học, học đâu nhớ đấy, học một biết mười, được người làng khen là thần đồng. Năm 14 tuổi ông dự khảo thí học trò ở xã Hà Nạn trong tổng hạt, đề ra bài phú “Nhật trung vi thị ” (giữa ngày họp chợ), ông làm bài ngay, văn sĩ đều thán phục là tài.

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng là con rể nhà khoa bảng Phạm Thế Lịch.

Năm Gia Long thứ 6 (1807) ông theo học Hương cống Nguyễn Hữu Bảo ở làng Hoài Bão, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Khi cha mất, ông về chịu tang ba năm. Sau lại tìm học Tiến sĩ Lê Huy Du (người làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là bậc đạo đức, văn chương có tiếng, mở trường ở xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định xưa.

Khoa Kỷ Mão năm Gia Long 18 (1819) Phạm Thế Lịch đi thi. Quyển của ông trúng ưu hạng nhất nhưng lại bị đánh trượt vì “đài khoản viết không hợp cách”. Bố vợ ông thấy con rể buồn rầu vì hỏng thi, khuyên ông nên bỏ thi cử, ra làm lý trưởng để có ruộng mà sinh sống. Phạm Thế Lịch không nghe theo, thà chịu đói khổ, quyết không làm lý dịch.

Khoa Tân Tỵ năm Minh Mệnh 2 (1821) Phạm Thế Lịch lại ứng thí nhưng tiếp tục bị hỏng. Ông quyết chí lên Thăng Long tìm thầy học, dù không có tiền. Đến Thăng Long, ông tìm học thầy Phạm Quý Thích (tức cụ Nghè Đốc học Hoa Đường). Để có tiền ăn học, ông phải vừa học vừa dạy trẻ.

Được một năm thì ông phải bỏ học vì không có người thuê dạy nữa. Ông nhận về dạy con cái trong nhà quan Thái thú họ Lê người Trà Nam (Bình Định) để kiếm sống. Ngồi dạy học ở nhà quan Thái thú, ông vẫn không bỏ một kỳ bình văn nào ở Thăng Long. Dần dần tài học của ông đã nức tiếng Đông kinh.

Năm ấy Phạm Thế Lịch về Nam Định, gặp Phan Bá Vành – thủ lĩnh nổi tiếng đang nổi dậy khởi nghĩa, lập căn cứ chính ở Trà Lũ (Xuân Trường). Với chủ trương “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, ngay từ giai đoạn đầu, người đi theo Phan Bá Vành đã có hơn 5.000, về sau thêm mấy ngàn quân của thủ lĩnh Ba Hùm (người Mường) từ thượng du Thanh Hóa cùng với quân nổi dậy ở các tỉnh lân cận kéo đến hiệp lực.

Đặc biệt những năm 1824 khi nạn đói diễn ra ở nhiều tỉnh thành khiến dân nghèo theo Phan Bá Vành ngày càng đông. Lại được sự giúp đỡ của Nguyễn Hạnh (tướng cũ của nhà Tây Sơn, được Ba Vành phong chức hữu quân), Vũ Đức Cát (quan nhà Nguyễn bị cách chức)... và một số nhân vật có tiếng ở địa phương như Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Chiêu Liễn... nên thanh thế Phan Ba Vành ngày càng tăng. Bởi vậy sau này trong “vè Ba Vành” có câu: Nghênh ngang một cõi biên thùy/ Thiếu gì tướng tá, thiếu gì binh lương...

Ở vùng Trà Lũ, Phan Bá Vành hội tụ được một số nhà nho như cụ Quận Nghé, cụ Phạm Đức Thịnh người làng Lạc Nghiệp, cụ Cai Quy làng Trà Thủy (xã Thọ Nghiệp)… Biết tiếng nho sĩ Phạm Thế Lịch tài giỏi nên Phan Bá Vành cũng muốn rước ông làm tham mưu cho nghĩa quân, nhưng ông không theo.

Tuy nhiên, cũng từ khi tiếp xúc với Phan Bá Vành, Phạm Thế Lịch không còn hào hứng với khoa cử nữa. Đến kỳ tỉnh hạch, ông không chịu nộp quyển. Anh của ông là Phạm Đình Khương tiếc công em học hành vất vả bấy lâu, liền nộp quyển thay ông.

Ngăn giết 40 người khách

Khoa Mậu Tý năm Minh Mệnh 9 (1828) Phạm Thế Lịch đỗ Á nguyên. Đến khoa thi Hội năm Kỷ Sửu (1829) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, cùng khoa với Phạm Thế Hiển và Ngô Thế Vinh. Vua nhà Nguyễn tặng ông vế đối: “Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh tam Thế đồng khoa Vinh Hiển Lịch”.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được triệu vào kinh bổ làm Hành tẩu, rồi thăng Hàn lâm viện Biên tu, lĩnh Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), sau lại bổ làm Viên ngoại lang bộ Lễ, Lang trung bộ Lại, thăng Án sát, Bố chính Bình Định.

Năm 1836, Phạm Thế Lịch làm Tả thị lang bộ Lễ, sung Chánh sứ đi Trung Quốc. Do tên ông là Lịch phạm huý vua Trung Quốc nên đổi lại là Phạm Thế Trung. Chuyến đi này có Nguyễn Đức Hợp và Nguyễn Văn Mô làm Phó sứ cho ông. Khi tiếp xúc với triều đình nhà Thanh, vua Thanh hỏi gì ông đều ứng đối hợp lẽ. Vua Thanh đã tặng ông hai bộ triều phục.

Sau khi đi sứ về ông được đổi làm Tả thị lang bộ Hình, chuyển làm Phủ doãn Thừa Thiên. Hoàng Thái hậu lập đàn kỳ phúc, mở khảo thi hòa thượng, sai ông làm Chánh chủ khảo. Năm Thiệu Trị 1 (1841) ông làm Biện lý bộ Hộ, đổi Bố chính sứ Hưng Hóa, rồi tiến Thự hữu Tham tri bộ Hộ, sau đổi sang bộ Lại.

Ba năm làm quan ở Hưng Hóa, ông đem nghĩa lý hiểu bảo dần dần khai hóa cho dân, thổ hào trong tỉnh đều tin phục. Hồi đó có hơn bốn mươi người Trung Quốc tự tiện vào rừng Hưng Hóa chặt gỗ tứ thiết, bị dân sở tại bắt nộp quan tỉnh.

Tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) là Nguyễn Công Hoán chiểu theo luật định khép vào tội chết. Phạm Thế Lịch can ngăn không nên giết họ vì họ không hiểu luật lệ của ta.

Nguyễn Công Hoán không nghe, bèn gửi mật tấu về kinh. Phạm Thế Lịch cũng gửi mật tấu về kinh trình bày rõ sự việc theo quan điểm của mình. Quan Tổng đốc nhận được chỉ của vua trước, cho trảm quyết bọn người khách.

Phạm Thế Lịch cố can ngăn xin lui ngày trảm quyết để chờ chiếu chỉ nhà vua. Quả nhiên hai ngày sau có chiếu chỉ của vua lệnh hủy chiếu chỉ trước và tha cho bọn khách. Bọn người khách được tha mạng đã nhớ ơn xin danh hiệu của ông về thờ.

Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Phạm Thế Lịch làm Chánh sứ, Bạch Đông Ôn làm Phó sứ đi sứ nhà Thanh. Sau khi đi sứ về, Phạm Thế Lịch được thăng làm Hộ bộ Hữu thị lang. Ông lại được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An.

Cuộc rước lễ kỵ tổ họ Phạm đại tôn xã Xuân Ninh.

Mở kho thóc cứu dân đói

Năm Thiệu Trị 7 (1847) vua sắp mất, đã truyền ngôi cho con thứ là Hồng Nhậm vì con lớn là Hoàng Bảo chỉ mải ăn chơi. Hoàng Bảo rất bất bình vì không được truyền ngôi. Phạm Thế Lịch đã khéo léo khuyên răn, giữ được mối hòa hảo giữa hai anh em vua mới. Tân hoàng khen rằng: “Ngươi khéo vì ta xử chỗ cốt nhục, nay được chu toàn, cũng nhờ có công ngươi”.

Nhân việc Phạm Văn Nhã và Phạm Võ Khải cãi nhau vì cho rằng văn mình hay hơn, bị vua bỏ ngục. Triều thần ghét Khải kiêu ngạo nên tâu vua xử tội. Phạm Thế Lịch can ngăn, nói rằng Khải vì quá chén mà lỡ bất tốn như thế, nên xin tha cho Khải. Vua nghe Phạm Thế Lịch mà tha cho Khải. Khải được tha rất biết ơn Phạm Thế Lịch.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), Tiến sĩ Phạm Thế Lịch được thăng Hữu Tham tri bộ Lại, sung Kinh Diên giảng quan, kiêm quản Hàn lâm viện. Năm đó ông lại được sung chức Khâm sai đại thần đi cùng với Đức Hoạt hội đồng tra xét vụ Tổng đốc Định – Biên Ngô Văn Giai và Án sát sứ Nguyễn Ba tham hặc lẫn nhau.

Cả hai đều vì việc riêng mà làm bậy. Phạm Thế Lịch chiểu pháp luật mà xét định tâu lên vua. Giai và Ba đều bị cách chức. Vua khen Phạm Thế Lịch là thẳng thắn không kiêng nể người quyền quý.

Năm Tự Đức 2 (1849), Phạm Thế Lịch được cử làm giảng quan hàng ngày giảng sách cho vua nghe ở tòa Kinh Diên. Năm 1850, lại được đổi làm Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Ninh – Thái. Ông có công cầm quân dẹp giặc cỏ Lê Vằn và Trịnh Hải ở Lạng Giang, bắt được Vằn giam vào ngục.

Vằn vượt ngục bị bắt lại và bị chém. Khi đó quan lãnh binh không tuân pháp luật, bị Phạm Thế Lịch đánh đòn. Do mẫn cán trong công việc nên sau đó, ông được thưởng gia một cấp, thăng làm Tổng đốc.

Tuy nhiên, Phạm Thế Lịch vốn tính cương trực, gặp việc không phải là nói ngay, không kiêng huý kị nên nhiều đình thần ghét ông. Bấy giờ Vũ Đăng Dương đã 70 tuổi còn được bổ Tri phủ Thiên Phúc (nay là Phúc Yên). Khi yết kiến Phạm Thế Lịch, Vũ Đăng Dương không chịu vái lạy nên bị ông mắng là vô lễ.

Vũ Đăng Dương đem bụng thù ghét Phạm Thế Lịch. Năm ấy mất mùa đói kém, Phạm Thế Lịch mở kho thóc phát cho dân nghèo. Nhân việc đó, Vũ Đăng Dương mật tấu về triều đình vu cho Phạm Thế Lịch là mạo tấu kém đói phát thóc cho dân để có ơn riêng với dân. Dương còn vu cho ông là đã bắt Dương phải về hưu khi còn đang khỏe mạnh. Triều đình nghe lời gian thần đã cách chức Phạm Thế Lịch và bắt ông bồi thường số thóc đã phát cho dân.

Năm 1852, Phạm Thế Lịch về quê vui với thơ phú ruộng vườn. Khi đó Trương Đăng Quế làm Phụ chính đại thần, trọng Phạm Thế Lịch là người có khí tiết nên đã mời ông về kinh sung chức Kinh Diên nhưng ông không chịu, Trương Đăng Quế lại cử ông làm Đốc học bản tỉnh, Phạm Thế Lịch cũng không nghe. Năm Tự Đức 27 (1874) Phạm Thế Lịch mất ở tuổi 84.

Phạm Thế Lịch được biết đến là người đỗ Tiến sĩ đầu tiên của huyện Xuân Trường. Ông cũng là bố vợ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (ông nội cố TBT Trường Chinh) - người làng Hành Thiện cùng huyện Xuân Trường. Tiến sĩ Phạm Thế Lịch có nhiều sáng tác nổi tiếng, như: Sứ Hoa quyển, Sứ Thanh văn lục… Ông cũng là người có thơ tặng Tam đăng Phạm Văn Nghị lúc kháng chiến chống Pháp, trong đó có câu: “Bắc Nam vạn lí nhất thanh hòa/ Hà sự cuồng sưu ngạnh hải ba?/Thiên khải nho trung giao cảm chiến/ Đế liên lão bệnh hứa hưu qua”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại