Vì sao Ukraine nhắm vào “mắt thần trên không” A-50 của Nga?

Hoàng Phạm/VOV.VN |

Ukraine tuyên bố đã bắn hạ thêm một máy bay cảnh báo sớm trên không Beriev A-50M/U của Nga hôm 23/2. Chưa rõ chính xác lực lượng của Kiev đã bắn hạ chiếc máy bay này như thế nào, nhưng Ukraine có lý do để nhắm vào “mắt thần trên không” của Nga.

Nga bị “che mắt”

Nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở người Canada Steffan Watkins cho rằng Nga bị “che mắt” và cản trở trong quá trình giám sát không phận Ukraine sau mỗi lần mất máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) A-50.

Lực lượng không quân Nga được cho là bắt đầu cuộc chiến rộng lớn hơn ở Ukraine với 9 chiếc A-50M/U, loại máy bay được phát triển dựa trên phần khung của máy bay vận tải 4 động cơ Ilyushin IL-76 có mái vòm radar trên thân và chở được tối đa 15 người.

Vì sao Ukraine nhắm vào “mắt thần trên không” A-50 của Nga?- Ảnh 1.

Máy bay A-50 của Nga. Ảnh: Wikimedia

Máy bay A-50 của Nga giống như máy bay E-3 của Không quân Mỹ, thường bay phía sau tiền tuyến dò tìm máy bay và tên lửa của đối phương ở đường chân trời. Bay ở tầm cao và có khả năng thay đổi vị trí khi cần thiết, những chiếc A-50 đã giúp các chỉ hủy của Nga theo dõi lực lượng không quân Ukraine và phát hiện sớm tên lửa cũng như máy bay không người lái (UAV) đang lao tới.

Chiến dịch tấn công của Ukraine nhằm vào các tàu hậu cần và tàu chiến của Nga ở Crimea đã nhấn mạnh tầm quan trọng của A-50. Sau khi UAV và tên lửa của Ukraine vô hiệu hóa một số radar trên mặt đất ở Crimea vào cuối năm 2023, lực lượng không quân Nga được cho là đã chuyển những chiếc A-50 để lấp đầy khoảng trống.

Phòng không quân Nga đã không đạt được thành công đáng kể trong việc đánh chặn tên lửa hành trình của Ukraine. Có thể thấy được điều này qua số lượng tàu chiến Nga bị Ukraine tấn công trong vài tháng qua.

Bất kể thành công nào mà Nga đạt được trong việc bảo vệ lực lượng tại Crimea phần lớn là nhờ vào khả năng bao phủ radar linh hoạt của “mắt thần trên không” A-50.

Khi Ukraine gia tăng các cuộc tấn công vào hệ thống radar trên mặt đất ở Crimea, các chỉ huy Nga đã bù đắp bằng cách ra lệnh cho các máy bay A-50 tới gần chiến tuyến phía Nam hơn.

Nhưng chính điều đó đã khiến A-50 và chiếc máy bay chuyển tiếp vô tuyến IL-22 bay cùng nó lọt vào tầm ngắm của phòng không Ukraine và có thể đã bị tên lửa Ukraine bắn hạ ở Biển Azov vào ngày 14/1/2024. Thời điểm đó, bộ đôi này được cho là chỉ cách tiền tuyến phía Nam Ukraine 96km.

Chiếc IL-22 quay trở về căn cứ với nhiều thiệt hại và thương vong. Chiếc A-50 bốc cháy và rơi xuống biển. Tất cả 15 người trên máy bay đều thiệt mạng, trong đó có một số sỹ quan cao cấp.

Ukraine sẽ tận dụng khoảng trống radar

Sau sự việc vào tháng 1, không quân Nga đã nỗ lực bảo vệ những chiếc A-50 còn lại bằng cách triển khai chúng cách xa tiền tuyến hơn.

“Họ triển khai A-50 gần biên giới Nga hơn và hướng về phía Belarus”, Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine nhận định hồi đầu tháng này.

Gần hơn, nhưng vẫn chưa đủ gần. Một chiếc A-50 nữa đã phát nổ trên bầu trời Krasnodar Krai của Nga, phía Đông Biển Azov vào tối 23/2.

Theo báo cáo, chiếc A-50 cách tiền tuyến 190km vào thời điểm nó bị phá hủy. Khoảng cách đó xa hơn tầm bắn của tên lửa Patriot 50km. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Ukraine đã bắt đầu sử dụng tên lửa S-200 trong vai trò đất đối không. S-200 có tầm bắn lên tới 250km.

Theo Forbes, Nga chỉ còn lại 7 chiếc A-50M/U trang bị hệ thống kỹ thuật số cùng với một máy bay cảnh báo sớm A-100 thế hệ tiếp theo. Moscow vẫn còn có những chiếc A-50 cũ từ những năm 1980 đang được niêm cất trong kho, nhưng không rõ liệu những chiếc máy bay này có thể bay an toàn hay không, chứ chưa nói đến khả năng chiến đấu.

Vấn đề đối với lực lượng Nga là họ cần 3 quỹ đạo cảnh báo sớm để bao quát toàn bộ chiến tuyến dài 1.000km ở Ukraine: một quỹ đạo ở phía Nam, một ở phía Đông và một ở phía Bắc. Phải cần ít nhất 9 máy bay chiếc A-50 để bao quát cả 3 quỹ đạo. Mỗi quỹ đạo cần có một máy bay đang ở căn cứ trong khi một chiếc khác đang thực hiện nhiệm vụ và chiếc thứ ba đang được bảo trì.

Việc mất 2 máy bay A-50 sẽ khiến Nga mất đi một quỹ đạo cảnh báo sớm và buộc Moscow phải quyết định khu vực nào ở tiền tuyến sẽ không còn “mắt thần trên không” nữa.

Đó là một lựa chọn khó khăn khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV sâu vào từng khu vực. Nga sẽ không thể tránh được tình thế này bằng cách bổ sung thêm máy bay A-50 mới vào phi đội.

Trong nhiều năm qua, Nga đã cố gắng hoàn thành việc phát triển và thử nghiệm máy bay A-100 thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến Nga gặp nhiều khó khăn về linh kiện điện tử cần thiết cho A-100.

Câu hỏi đặt ra là Ukraine sẽ làm gì khi Điện Kremlin tái bố trí những chiếc A-50 còn lại. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống trong phạm vi phủ sóng radar trên không của Nga. Kiev chắc chắn sẽ tận dụng khoảng trống đó để phóng UAV và tên lửa hành trình nhắm mục tiêu vào các tàu chiến, sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và thậm chí cả các nhà máy vũ khí và cơ sở dầu mỏ của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại