Vì sao tướng Trung Quốc mở lời trước?

Danh Đức |

Truyền thông Trung Quốc đã chủ động thông tin việc hai tướng tham mưu quân đội Mỹ - Trung đã cam kết “sẽ cố gắng quản lý những dị biệt giữa hai bên một cách xây dựng và kiểm soát hiệu quả các rủi ro, tiếp sau những căng thẳng trên biển gần đây ở Nam Hải (tức Biển Đông của Việt Nam)”.

Tất nhiên, trong bản tin phát rạng sáng 14-5, báo China Daily đổ lỗi cho sự căng thẳng gia tăng này là từ việc khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường William 
P. Lawrence của Mỹ đã vào “vùng biển của Trung Quốc” hôm 10-5 ở khu vực đá Chữ Thập trong khuôn khổ mà Mỹ gọi là một hoạt động “tự do hàng hải”.

Đến đây, China Daily loan báo rằng trong một hội nghị video vào tối 12-5, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy đã nói với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford rằng Trung Quốc coi trọng tự do hàng hải ở Biển Đông “nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này” và rằng tướng Phong đã kêu gọi hai bên hãy quan tâm đến tình hình chung toàn cục mà quản lý một cách xây dựng các khác biệt của nhau.

Đáp lời, tướng Dunford cho biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để “thiết lập một cơ chế hiệu quả cho việc kiểm soát rủi ro một cách hòa bình nhằm duy trì ổn định ở Biển Đông”.

Có thể thấy một chút ánh sáng cuối đường hầm qua nội dung cuộc họp tay đôi từ xa này: nhân vật xếp thứ năm của Quân ủy trung ương Trung Quốc là người mở lời “kêu gọi”.

Đây là một động thái được chờ đợi suốt từ mấy tháng qua, kể từ khi hải quân Mỹ mở lại những chuyến tuần tra ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải ngày 
26-10-2015.

Trong thời điểm xuất hiện các chuyến tuần tra đầu tiên, phía Trung Quốc hầu như bất động khi tàu Mỹ đến. Mãi đến lần này, Bắc Kinh mới điều động máy bay chiến đấu J-11 và một khu trục hạm cùng hai tuần duyên hạm đến ngăn cản chiếc USS William P. Lawrence, ra lệnh “biến đi!”.

Đây là một cuộc điều động quân sự có vẻ như rất quyết liệt mà nếu ai đó yếu bóng vía sẽ cao bay xa chạy! Thế nhưng, chiếc William P. Lawrence vẫn ung dung tiếp tục tuần tra!

Nếu xem nội vụ diễn ra đó như một canh bạc xì phé thì việc Trung Quốc huy động chừng đó lực lượng ra “đuổi” tàu chiến Mỹ giống như một cú tố “tháu cáy”, rung cây nhát khỉ, song phía Mỹ đã không “úp bài xuống”!

Do lẽ (1) luật biển mà nói, các dải đá san lấp đó, cho dù nay có lớn tới đâu, cũng không hề thuộc chủ quyền của Trung Quốc; (2) lý lẽ này hầu như được cả thế giới công nhận; (3) chính vì nắm cái “lý” trong tay, hải quân Mỹ mới dứt khoát tuần tra.

Ngược lại, việc Bắc Kinh tới lần này mới tung lực lượng ra ngăn cản cho thấy: Bắc Kinh đã lúng túng suốt từ tháng 10 năm ngoái, đặc biệt là từ chuyến tuần tra của chiếc Curtis Wilbur tới đảo Tri Tôn hồi tháng 1 đầu năm nay, không biết phản ứng như thế nào và mãi đến tháng 5 mới thu hết sức bình sinh đi đến quyết định “truy đuổi”!

Tiếc rằng chiếc USS William P. Lawrence đã tự tin nơi cái lý của mình (và đằng sau đó là sức mạnh quân lực Mỹ), nên đã không để cho phía Trung Quốc hù dọa mà “chạy mất dép” để rồi “lý lẽ của kẻ mạnh, đông” 
sẽ chiến thắng!

Cuộc tỉ thí cân não đã kết thúc với việc phân đội ba tàu chiến của Trung Quốc cũng như chiếc J-11 kia đã không động thủ! Do lẽ, “động thủ, bất hoàn”, mà căn cứ thực trạng quân sự hiện nay, Trung Quốc thừa hiểu chưa hẳn đã có được ưu thế, từ ưu thế pháp lý, dư luận đến ưu thế quân sự, mà riêng về khoản sau này, có chăng mươi năm nữa, mới có thể “làm liều” được!

Đó chính là lý do của đề nghị “cố gắng quản lý những dị biệt giữa hai bên một cách xây dựng và kiểm soát hiệu quả các rủi ro” của tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại