Một nghệ sỹ hài, không có bất cứ kinh nghiệm chính trị nào, chiếm được số phiếu bầu nhiều nhất trong vòng một bầu cử tổng thống ở Ukraine. Kết quả này thật sự không bất ngờ nếu dựa theo các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử.
Tuy vậy, đối với nhiều người, kết quả phản ánh sự bất mãn của cử tri mà đặc biệt là giới trẻ đối với tình hình chính trị đối nội. Kinh tế trì trệ, chính trị nội bộ phân mảnh, và đặc biệt là tham nhũng đã xói mòn niềm tin của người dân đối với giới tinh hoa của đất nước Ukraine.
Từ giảm tín nhiệm đến chia rẽ
Theo một cuộc thăm dò gần đây, 8% người dân thể hiện sự tin tưởng vào quốc hội; 11% tin tưởng vào chính phủ; con số là 16% đối với tổng thống. Trong khi đó, theo thứ tự như trên, 80%, 74% và 70% người dân không tin tưởng vào các thiết chế này.
Đó là chưa kể, dù bất cứ ai lên làm tổng thống Ukraine, thi hành chính sách đối ngoại hiệu quả cũng sẽ là một thách thức vô cùng to lớn khi quốc gia này đang mắc kẹt giữa các quốc gia lớn.
Diễn viên hài Zelenskiy đang trở thành ứng viên tổng thống được yêu thích nhất hiện nay khi thăm dò cử tri Ukraine. Ảnh: Courtesy
Kể từ cách mạng Cam năm 2004, nền chính trị Ukraine trở nên phân cực ngày càng mạnh mẽ. Yếu tố Nga được coi là quyết định, dẫn đến hệ quả là các chính trị gia trong nước chia làm hai phe phái rõ rệt. Một bên ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với nước Nga, do cả hai quốc gia từng có quá khứ thuộc Liên Xô, và có những mối dây liên kết về lịch sử, kinh tế và văn hoá nhất định. Bên còn lại, chống Nga một cách tích cực, có cương lĩnh chính trị mong muốn loại bỏ ảnh hưởng của nước Nga bên trong Ukraine, hội nhập với Châu Âu và gia nhập NATO.
Những người có tư tưởng trung dung đều bị loại bỏ. Thứ nhất là do tầng lớp tinh hoa chính trị thường gắn liền với các tập đoàn tài phiệt có thế lực, không muốn thay đổi. Và thứ hai là do sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu dân tộc chủ nghĩa theo sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ lực đòi chia tách ở Donbass (lực lượng miền Đông). Các nhóm cực hữu vốn bạo lực, thường xuyên quấy rối những người không thuận theo các chính sách của họ. Đó là chưa kể những nhóm này thường thường được những nhà tài phiệt lớn chống lưng.
Và giới tài phiệt vẫn còn thao túng
Tại sao chính trị nội bộ của Ukraine lại bị thống trị bởi các tài phiệt? Quá trình dân chủ hoá ở Ukraine sau khi Liên Xô chứng kiến các tập đoàn nhà nước bị tư hữu hoá ồ ạt mà không được kiểm soát. Điều đó dẫn tới việc phần tài sản nhà nước rơi vào tay các cựu quan chức và những người thân quen của họ. Hệ quả là nền kinh tế quốc gia phần lớn nằm trong tay của một nhóm nhỏ tài phiệt, trì trệ và thiếu đổi mới.
Đương kim Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và đối thủ cạnh tranh Yulia Timoshenko vốn là những người thuộc phe thân phương Tây. Trong đó bản thân ông Poroshenko là một nhà tài phiệt có tiếng, một trong những người giàu nhất Ukraine. Timoshenko cũng là một nhân vật “lừng lẫy”, đã từng tham gia cách mạng Cam năm 2004, từng là nữ thủ tướng đầu tiên của Ukraine và chịu bản án 2 năm tù giam với các cáo buộc liên quan đến lạm dụng quyền lực và bảo thủ. Nói cách khác, cả hai đều là những thành viên thuộc hệ thống chính trị cũ ở Ukraine.
Ứng cử viên độc lập, nghệ sỹ hài Volodymyr Zelensky, đã đem lại một làn gió mới. Zelensky là diễn viên chính trong một chương trình hài châm biếm chính trị, trong đó ông đóng vai một vị tổng thống lý tưởng của Ukraine. Các nhà phân tích đánh giá chính việc đại diện cho một hình mẫu nhân vật lý tưởng mà nền chính trị Ukraine đang thiếu, cộng thêm tâm lý chán ghét giới tinh hoa hiện tại, đã khiến cho tỷ lệ ủng hộ Zelensky cao hơn tất cả các ứng viên khác mặc cho cương lĩnh chính trị của ông hầu như không có gì nổi bật.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm rằng cương lĩnh chính trị không rõ ràng, theo một số nhà phân tích, lại là một điểm thu hút các cử tri trẻ của Zelensky, những người đã hết sức bất mãn với tình hình Ukraine hiện tại và một mong muốn thay đổi.
Tổng thống Petro Poroshenko, Ứng viên Volodymyr Zelenskiy và ứng viên Yulia Tymoshenko . Ảnh: kyivpost
Tương lai bất định
Ukraine vẫn cần phải tổ chức bầu cử tổng thống vòng hai, với lý do là không một ứng cứ viên nào giành được 50% phiếu bầu. Tuy nhiên, với tình thế hiện tại, dù ai lên làm tổng thống đi nữa thì tình hình ở Ukraine vẫn không mấy sáng sủa hơn.
Thứ nhất, tổng thống tương lai cần có những chính sách phù hợp để đưa Ukraine thoát khỏi tình trạng phát triển chậm chạp như hiện nay. Trong khi Zelensky vẫn chưa đưa ra được tầm nhìn của mình về phát triển kinh tế quốc gia, thì Poroshenko hay Timoshenko vẫn áp dụng những phương pháp cũ, vốn bị đánh giá là cũ kỹ, bất cân bằng và thiếu hiệu quả.
Thứ hai, mặc dù cả Poroshenko và Timoshenko đều thuộc phe thân phương Tây, và chính sách đối ngoại của họ được một số bộ phận người dân Ukraine ủng hộ, nhưng những chính sách đó lại chống Nga một cách thái quá.
Chính sách đối ngoại của Ukraine dưới nhiệm kỳ Poroshenko bị bóp méo bởi cạnh tranh quyền lực nội bộ và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khiến cho xung đột Nga-Ukraine trở nên dai dẳng và không có bất cứ cơ hội đột phá nào.
Và cuối cùng, đặt niềm tin vào Zelensky chỉ là giải pháp tình thế nhằm thoả mãn sự tức giận nhất thời của người dân Ukraine đối với nền chính trị chia rẽ ở Ukraine. Đất nước này cần một nhà lãnh đạo có đủ khả năng để cải cách toàn bộ hệ thống tham nhũng và trì trệ được chống lưng bởi các tài phiệt, nếu không thì chính quyền mới của Zelensky cũng chỉ như bình mới rượu cũ.
* Ông Nguyễn Thế Phương là Nghiên cứu viên Cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Năm 2018, ông Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp cao học tại Cộng hòa Liên Bang Đức.