Vì sao Triều Tiên đang "nóng", ông Trump bỗng quay sang dọa can thiệp quân sự vào Venezuela?

Ngọc Anh |

Nhà nghiên cứu chiến lược Pshenichnikov cho rằng ông Trump đang rất cần một cuộc chiến tranh nhỏ và thắng lợi để cải thiện uy tín.

Sputnik dẫn lời học giả Nga Igor Pshenichnikov, lãnh đạo của Trung tâm Quan hệ Công chúng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS) nhận định, trong khi Syria và Triều Tiên đang là tâm điểm chú ý của thế giới, Mỹ vẫn tiếp tục gây áp lực đáng kể với một số nước mà họ có hiềm khích ở châu Mỹ Latinh. Theo đó, Pshenichnikov đánh giá khả năng Mỹ có hành động quân sự với Venezuela.

Vào ngày 11/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi dấu hiệu cho thấy lựa chọn quân sự chống lại Venezuela hiện đang được chính quyền Mỹ xem xét.

"Chúng tôi có nhiều lựa chọn cho Venezuela, và tiện thể tôi cũng muốn nói rằng tôi sẽ không loại trừ một phương án quân sự", Tổng thống Trump phát biểu trước các phóng viên.

Theo Pshenichnikov, Venezuela cần cảnh giác với một số "kịch bản" của Mỹ khi đề cập khả năng sử dụng vũ lực với một quốc gia có chủ quyền như "các hoạt động quân sự trên bộ hoặc các cuộc không kích tương tự như các cuộc tấn công bằng tên lửa mà Mỹ đã tiến hành vào tháng 4/2017 đối với Syria, hoặc giống như các vụ đánh bom ở Libya khi phương Tây lật đổ ông Gaddafi. "

Pshenichnikov cho rằng, trong tương quan với Mỹ, Venezuela gặp bất lợi hơn Triều Tiên.

"Caracas sẽ không thể phản ứng lại như Bình Nhưỡng. Venezuela không có vũ khí hạt nhân", nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Vì sao Triều Tiên đang nóng, ông Trump bỗng quay sang dọa can thiệp quân sự vào Venezuela? - Ảnh 1.

Hình ảnh Tổng thống Nicolas Maduro ở Caracas, tháng 8/2017. Ảnh: Reuters

Theo Pshenichnikov, sở dĩ ông Trump tuyên bố về khả năng Mỹ tấn công quân sự Venezuela là vì một số lý do.

Học giả này cho rằng, vấn đề cốt lõi chính là ông Trump đang cực kỳ cần một cuộc xung đột nhỏ mang lại chiến thắng, để tăng cường uy tín của mình và chống chọi lại các cuộc tấn công khốc liệt của những đối thủ chính trị trong nước – những người đang tìm cách để luận tội ông.

Mặt khác, Pshenichnikov nhận định rằng, Washington từ lâu cũng đã có kế hoạch can thiệp vào Venezuela và tìm cách kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ của nước này.

Và, cuối cùng, Washington không muốn Venezuela trở thành một "pháo đài" cận kề nước Mỹ và tạo điều kiện cho cánh tả của Mỹ Latinh củng cố lực lượng.

Pshenichnikov gợi ý rằng Washington đã đứng đằng sau các cuộc biểu tình và bạo lực ở Venezuela trong vài tháng qua.

Học giả Nga cho rằng Mỹ có quá nhiều kinh nghiệm trong việc lật đổ ở các nước mà họ có hiềm khích ở Mỹ Latinh bằng hành động quân sự, điển hình như vụ đảo chính quân sự ở Chile vào năm 1973 hay những hoạt động bí mật nhằm lật lật đổ Tổng thống Guatemala Jacobo Arbenz năm 1954.

Về phần mình, sau lời đe dọa của ông Trump về hành động quân sự, ngày 13/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi các cuộc tập trận quân sự dự kiến ​​diễn ra vào ngày 26 đến 27/8.

"Venezuela sẽ không bị đe dọa", truyền thông Venezuela trích lời Tổng thống Maduro.

Các nước Mỹ Latinh cũng đã đồng loạt lên án phát tuyên bố của ông Trump. Argentina và một số nước trong khu vực cho rằng, đối thoại và ngoại giao mới là giải pháp cho tình hình Venezuela hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại