Vì sao Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại nhưng chỉ được giao chức Bật Mã Ôn trông ngựa?

Nguyễn Nhung |

Câu trả lời sẽ giúp nhiều người trong chúng ta ngộ ra được chân lý trong cuộc sống.

Đọc "Tây Du ký", cần có một trái tim tu luyện, mới có thể hiểu rõ từng ẩn ý sâu xa trong câu chuyện thú vị này.

Trang ntdtv.com đã giải thích như vậy trước khi đi vào nội dung giải thích tại sao Hầu vương Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại lại chỉ nhận được một chức quan bé xíu có tên là Bật Mã Ôn – chuyên trông coi ngựa trên thiên đình.

Ở mỗi vị trí khác nhau, nhìn một vấn đề sẽ có những kết luận khác nhau. "Tây Du Ký" là một câu chuyện về tu hành, thế nên có một số việc, chỉ những người tu luyện mới có thể hiểu.

Trong câu chuyện này, không phải tự nhiên, Tôn Ngộ Không được nhận một chức quan bé xíu có tên là Bật Mã Ôn.  

Khi Hầu vương vừa nhậm chức, các quan giám sát liền tổ chức tiệc rượu chúc mừng. Trong lúc đang thích chí cạn chén không ngớt, Hầu vương đột ngột dừng lại, hỏi: "Bật Mã Ôn ta là chức quan gì?"

Các quan giám sát liền đáp: "Thì là chức quan Bật Mã Ôn đó".

Hầu vương lại hỏi: "Chức quan này có mấy phẩm hàm?"

Đám đông lại đáp: "Không có phẩm hàm."

Hầu vương băn khoăn: "Không có sao, vậy có phải là rất to không?"

Các quan đáp: "Không to không to, chỉ là cách gọi thay cho những chức vụ nằm ngoài 9 chức quan chính mà thôi (cửu phẩm). Chức quan này nhỏ nhất, chỉ là đi trông ngựa cho người ta mà thôi, làm không tốt sẽ bị trách phạt, hỏi tội."

Hầu vương nghe vậy thì cảm thấy vô cùng tổn thương và giận dữ...

Vì sao Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại nhưng chỉ được giao chức Bật Mã Ôn trông ngựa? - Ảnh 1.

Tranh minh họa.

Với khả năng khi đó, Tôn Ngộ Không thực ra không kém cỏi đến mức phải đi trông, chăm ngựa. Vậy tại sao câu chuyện lại bố trí cho Hầu vương chức quan nhỏ xíu này?

Thực ra, đây là một sự sắp xếp rất có ý đồ. Và ý đồ ở đây muốn chỉ rõ rằng: Những người tu luyện tất thảy đều phải từ bỏ cái tâm còn mang dục vọng và danh lợi.

Ở đoạn cuối của "Tây Du Ký", chúng ta phát hiện ra mặt tốt nhất của Tôn Ngộ Không – đó chính là danh. Người khác chỉ cần khen vài câu, Hầu vương đã nhảy nhót tỏ ý hoan hỷ vui mừng.

Ngoài ra, Tôn Ngộ Không ngay từ đầu xuất hiện cũng đã được gắn với tính cách cao ngạo, "coi trời bằng vung". Trong khi đó, với những người tu luyện, sự ngạo mạn này là điều tối kỵ.

Vì muốn giúp Ngộ Không mất đi cái tâm luôn cầu danh vọng, cao ngạo kiêu căng, câu chuyện mới bố trí cho nhân vật này một xuất thân chưa được tốt để khống chế, kiểm soát, từ đó đưa Ngộ Không vào khuôn khổ.

Trong Tây Du Ký, rất nhiều yêu quái từ lớn đến nhỏ, hay thậm chí là cả Trư Bát Giới những lúc mắng Tôn Ngộ Không đều réo chức quan Bật Mã Ôn lên, như một lời chế giễu đến xuất thân thấp kém của nhân vật này.

Vì sao Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại nhưng chỉ được giao chức Bật Mã Ôn trông ngựa? - Ảnh 2.

Ngộ Không là một nhân vật hám danh, cao ngạo, đó là lý do tại sao trong suốt hành trình tu luyện, nhân vật này phải đội vòng kim cô, phải mang chức Bật Mã Ôn bên người. Ảnh cắt từ phim.

Qua đó có thể thấy, Bật Mã Ôn đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến cuộc đời của Tôn Ngộ Không kể từ khi nó xuất hiện.

Dù Tôn Ngộ Không có bản lĩnh lớn đến đâu, cho dù Ngọc hoàng thượng đế cũng thừa nhận tên gọi Tề Thiên Đại Thánh của nhân vật này, thì rất nhiều yêu quái vẫn cứ gọi Tôn Ngộ Không là Bật Mã Ôn.

Trên suốt hành trình tu luyện của mình, Tôn Ngộ Không không những phải đeo chiếc vòng kim cô, mà còn phải gánh thêm chức quan thấp bé Bật Mã Ôn, đó là những thứ dùng để khắc chế cái tâm danh vọng cũng như sự cao ngạo của nhân vật này.

Chỉ có tu luyện xong, trở thành Phật, cái mũ "xấu xí’ chụp trên đầu Tôn Ngộ Không mới có thể bỏ xuống, không bị người đời nhắc đến.

Nếu như muốn hiểu "Tây Du Ký", cần phải để bản thân trở thành một người tu luyện hoặc am hiểu về tu luyện, nếu không, sẽ không dễ để lĩnh hội đạo lý này. Bởi, "Tây Du Ký" chính là một hành trình tu luyện!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại