Nhiều người Trung Quốc mua nhà theo cơ chế "bán trước". Họ đã phải trả các khoản nợ thế chấp với lãi suất 5-6% cho những ngôi nhà chưa bao giờ được ở. Ảnh: SCMP
Nhiều người Trung Quốc mua nhà theo cơ chế "bán trước". Họ đã phải trả các khoản nợ thế chấp với lãi suất 5-6% cho những ngôi nhà chưa bao giờ được ở. Ảnh: SCMP
Trái ngược với các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc gần đây đã cắt giảm lãi suất khi tìm cách ngăn chặn các tác động kinh tế của chính sách “Zero COVID” và giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản đang trầm trọng hơn.
Thị trường nhà ở có truyền thống cực mạnh mẽ của nước này đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng nguồn vốn khiến đà phát triển ngưng lại, người mua từ chối thanh toán các khoản nợ thế chấp ngân hàng.
Hàng loạt các vụ dừng trả nợ thế chấp gần đây của người mua nhà trên khắp Trung Quốc cho thấy rủi ro đã tích tụ trên thị trường trong quá trình phát triển suốt hai thập kỷ qua.
Rủi ro từ "hệ thống bán trước"
Các cuộc phản đối trả nợ thế chấp bắt đầu từ đầu năm nay ở nhóm người mua nhà trong khu bất động sản Evergrande ở thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, sau đó lan sang những người mua căn hộ trên khắp Trung Quốc. Cho đến nay, hơn 300 nhóm chủ nhà được cho là đang từ chối trả các khoản vay mua nhà từ 150 tỉ đến 370 tỉ USD – theo các cuộc khảo sát không chính thức được công bố trực tuyến.
Những người phản đối đều có một điểm chung: họ đang trả các khoản nợ thế chấp, thường với tỷ lệ 5% -6%, trên những ngôi nhà mà họ chưa bao giờ được ở. Những bất động sản này đã được bán trước khi chúng được xây dựng theo cái gọi là “hệ thống bán trước” - một cách phổ biến để mua nhà ở Trung Quốc.
Nguyên nhân gây ra các cuộc dừng trả nợ của người mua là họ cho rằng số tiền trả trước cho bên xây dựng các dự án bất động sản này đã bị sử dụng sai mục đích.
Theo hệ thống bán trước, người mua đặt cọc tiền trong một tài khoản trước khi bất động sản được xây dựng. Các ngân hàng Trung Quốc và nhà chức trách địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc sử dụng các quỹ này của nhà phát triển bất động sản. Các nhà phát triển không được tiếp cận toàn bộ chỗ tiền cho đến khi họ đạt được những mốc cam kết từ trước trong quá trình thi công.
Nhưng người mua gần đây khiếu nại rằng nhiều ngân hàng đang cung cấp các khoản vay cho bên phát triển trước khi họ đạt tới mốc thi công theo yêu cầu. Người mua cũng phàn nàn rằng, mặc dù những khoản tiền này lẽ ra phải được giữ trong các tài khoản ký quỹ được chỉ định mà các cơ quan quản lý có thể giám sát, nhưng nhiều khi lại không như vậy, tạo kẽ hở cho các nhà phát triển né quy định.
Công trường xây dựng Raffles Trùng Khánh ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: AFP
Người mua nhà cho rằng quy định lỏng lẻo về nguồn vốn là một cám dỗ với chủ đầu tư, họ tiếp tục đầu tư các dự án mới bằng cách vay thêm trong khi các dự án hiện tại chưa hoàn thành theo tiến độ cam kết.
Một mô hình thường thấy trong ngành phát triển bất động sản của Trung Quốc là các nhà phát triển mua đất, cầm cố cho ngân hàng để vay vốn, bắt đầu quy trình bán nhà trước với người mua và sau đó sử dụng tiền ký quỹ này để mua đất cho các dự án khác.
Trong những tình huống như vậy, chỉ một phần tiền của người mua có thể dùng để xây dựng nhà ở cho họ. Do đó, một cuộc khủng hoảng thanh khoản gần đây trong lĩnh vực này đã khiến nhiều dự án đình trệ vì các nhà phát triển không đủ khả năng để tiếp tục xây dựng dự án đã “bán trước”.
Cuộc trỗi dậy và sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc
Tình hình hiện tại diễn ra sau sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Thị trường nhà ở đã trải qua thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu thập niên 2000, đến đỉnh điểm vào 2018 trước khi hạ nhiệt dần và kết thúc với sự sụt giảm mạnh về doanh số bán vào đầu năm nay.
Thị trường nhà ở đi xuống đã làm giảm đáng kể nguồn vốn dành cho các nhà phát triển. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng chủ đầu tư tạm dừng xây dựng, khiến chủ nhà không thanh toán tiền thế chấp.
Việc thắt chặt các điều kiện tín dụng cũng đóng một vai trò quan trọng dẫn đến khó khăn hiện tại. Tháng 8/2020, chính phủ đã đưa ra một chính sách quan trọng là quy định “3 lằn ranh đỏ” - phân loại các nhà phát triển theo số nợ của họ, sau đó xác định số tiền mà họ có thể vay hàng năm.
Hơn 60% nhà phát triển đã đạt đến ít nhất một trong các ngưỡng nợ (lằn ranh đỏ) do các cơ quan quản lý đặt ra vào năm 2021. Khoảng 10% - bao gồm tập đoàn Evergrande - đã vi phạm cả ba. Khi điều này xảy ra, các nhà phát triển không được phép tăng khoản vay mới cho năm đó.
Kết quả là cuộc khủng hoảng tín dụng đã đẩy nhiều nhà phát triển vào tình thế căng thẳng, thậm chí không ít đã vỡ nợ.
Rủi ro từ lĩnh vực bất động sản có thể tràn vào nền kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc thông qua hệ thống ngân hàng và các chính quyền địa phương. Ảnh: Asia times
Nguy cơ một làn sóng phá sản của các nhà phát triển là rủi ro lớn nhất đối với thị trường nhà ở của Trung Quốc hiện tại và có thể dẫn đến một số lượng lớn các dự án bất động sản dang dở.
Điều nguy hiểm là rủi ro từ lĩnh vực bất động sản cũng có thể tràn vào nền kinh tế rộng lớn hơn thông qua các ngân hàng và chính quyền địa phương, vốn là hai thực thể lớn nhất hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc.
Các ngân hàng cho cả người mua và nhà phát triển vay và do đó có thể đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng vọt nếu thị trường nhà ở sụp đổ. Tin tốt là các khoản cho vay này chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng cho vay của các ngân hàng.
Mặt khác, phát triển bất động sản chỉ chiếm 6,2% tổng số nợ cho vay của các ngân hàng Trung Quốc. Mặc dù vậy, các vụ vỡ nợ lớn có thể khiến các ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay, khiến thanh khoản thị trường giảm hơn nữa.
Chính quyền địa phương là một câu chuyện khác. Họ thường phụ thuộc nhiều vào việc bán đất để có thu nhập và do đó, việc không đảm bảo dòng tiền ổn định từ việc bán đất có thể ảnh hưởng đến các dự án đầu tư và đô thị hóa. Điều này sẽ là một lực cản nữa đối với sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch.