Hy vọng mới về khí đốt của Đức
Khi du khách, tại khu nghỉ mát Hooksiel trên bờ Biển Bắc của Đức, ngả lưng trên chiếc ghế tựa trên bãi biển hoặc đi dạo bên bờ biển, cầu cảng bằng sắt kéo dài 1,3 km hướng ra biển nằm phía bên phải của họ là một cảnh tượng quen thuộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiếng leng keng của kim loại ở đầu cầu cảng lại là điều mới mẻ.
Cầu cảng được xây dựng vào năm 1982 để chứa hai bến nhập khẩu hóa chất, cũng như một bến nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển từ Mỹ bằng tàu chở dầu. Tuy nhiên, các tàu chở dầu này chưa bao giờ tiếp cận được cầu cảng vì Đức ưu tiên khí đốt giá rẻ từ Nga hơn LNG từ Mỹ.
Nhưng theo tờ Guardian (Anh), xung đột hiện nay làm ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của Đức trong nhiều thập kỷ, việc đưa các tàu chở LNG cập cảng Hooksiel nhanh chóng trở thành một ưu tiên quốc gia.
Wilhelmshaven, thành phố cảng lịch sử gần đó đã trở thành biểu tượng cho cam kết kép của chính phủ Đức: Nước này có thể nhập khẩu LNG với tốc độ kỷ lục để bù đắp cho nguồn cung khí đốt hạn chế và các cầu cảng ở Biển Bắc sẽ nhận LNG, một loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, trong một phần thời gian ngắn, sẽ sớm được thay thế bằng một chất thân thiện với môi trường
Wilhelmshaven là một trong năm bến LNG nổi mà Đức đang gấp rút xây dựng vào cuối năm nay. Một nghiên cứu của Viện Fraunhofer vào tháng 7 cho rằng, hệ thống này sẽ rất quan trọng để làm ấm những ngôi nhà và tránh đóng cửa các nhà máy trong mùa đông này, không chỉ ở Đức mà còn trên toàn tất cả châu Âu nếu nguồn cung bị ngừng hoàn toàn.
Höegh Esperanza, một tàu chở dầu dài 300 mét được chuyển đổi thành kho chứa nổi được chính phủ Đức cho thuê với chi phí chưa xác định 200.000 EUR mỗi ngày, sẽ cập bến và bốc hàng trong khoảng 10 giờ cho những tàu nhỏ hơn.
Khoảng 80 tàu chở dầu dự kiến sẽ đến Wilhelmshaven mỗi năm, thay thế một nửa lượng khí đốt mà công ty năng lượng Đức Uniper nhập khẩu từ Nga, tương đương 8% tổng lượng khí đốt sử dụng của Đức trước xung đột.
Hiện giới chức Đức hy vọng, nhà ga chứa LNG mới sẽ hoàn thành vào tháng 12 tới nhưng Uniper, công ty đang quản lý việc xây dựng nói rằng, điều kiện gió trong những tháng lạnh hơn có thể trì hoãn việc hoàn thành cho đến nửa cuối mùa đông.
Holger Kreetz, Giám đốc điều hành Uniper tới thị sát công tác xây dựng nhà ga chứa NLG. Ảnh: The Guardian
Cam kết về môi trường
Đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã bác bỏ những lo ngại rằng dự án có thể làm ảnh hưởng đến các loài động vật có vú dưới nước đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Vịnh Jade.
Bộ trưởng Môi trường Đức Olaf Lies bày tỏ hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể là cơ hội để thực hiện những bước tiến hướng tới một tương lai xanh hơn thay vì trở thành một bước lùi cho các mục tiêu khí hậu. Ông nhấn mạnh, nhà ga Hooksiel sẽ có một "thiết bị đầu cuối phân tử" chứ không phải là một nhà ga dành riêng cho LNG.
Khi Đức đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2045, các đường ống trên bờ Biển Bắc sẽ sớm không bơm LNG mà là hydro xanh, được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo để điều khiển một máy điện, tách các phân tử nước để tạo ra hydro và oxy, ông Lies cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Một số hydro xanh sẽ được sản xuất ở Wilhelmshaven.
"Các nhà xuất khẩu năng lượng lớn trong tương lai sẽ không phải là những quốc gia giàu khí đốt tự nhiên, mà là những quốc gia có nhiều gió, mặt trời và nước", ông Lies nói.