Quán cà phê học bài gần một trường Đại học ở Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)
Tư tưởng tách biệt giới tính đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hàn Quốc và hiện tại lối suy nghĩ này được áp dụng để ngăn chặn nguy cơ xảy ra tấn công tình dục.
Từ phòng học cho tới gosiwon, những căn phòng chỉ nhỏ như hộp diêm với diện tích chỉ từ 3 - 6 m2 cho sinh viên thuê, đều được tách biệt theo giới tính và được đông đảo người dân Hàn Quốc chấp thuận. Mới đây, thủ đô Seoul còn triển khai dịch vụ chia sẻ taxi chở khách cùng giới tính. Chưa hết, ngay cả các quán cà phê làm việc và học bài cũng thi hành theo chính sách phân chia chỗ ngồi cho khách hàng theo giới tính.
Theo cô Kim, dù không phải tất cả nam giới đều là kẻ dòm ngó, nhưng cô vẫn quyết định lựa chọn các quán cà phê học bài có khu chia tách riêng chỗ ngồi cho nam và nữ. Bởi chuyện này sẽ giúp nữ khách hàng tránh được những lo lắng không cần thiết và tránh bị phân tâm khi ngồi gần nam giới.Cô Kim Si-song (28 tuổi) sinh sống ở thành phố Seongnam của tỉnh Gyeonggi đang chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển giáo viên quốc gia chia sẻ, “Tôi từng tới một quán cà phê học bài, nơi cả nam và nữ khách hàng cùng chỗ. Nhưng bất ngờ có nữ khách hàng tố cáo một số người đàn ông đã bí mật chụp ảnh các nữ sinh trẻ tuổi ngồi trong quán”.
Ngăn chặn tội phạm tình dục
Theo Korea Herald, mối lo về sự tò mò bệnh hoạn, quấy rối và tội phạm tình dục là những lý do khiến các khu vực công cộng và kinh doanh ở Hàn Quốc thực hiện chính sách phân tách khách hàng theo giới tính.
Những nhà tắm công cộng nổi tiếng trong văn hóa Hàn Quốc jjimjilbang cũng đã chia tách khu vực tắm xông hơi theo giới tính, cùng khu vực nghỉ ngơi phục vụ theo nhóm thường là người thân trong gia đình hay nhóm bạn cùng giới tính bởi tại đây họ sẽ chỉ mặc chiếc áo phông và quần sooc mỏng được cơ sở kinh doanh cung cấp.
Trước đây, jjimjilbang cũng có các khu vực lẫn giới tính như xông hơi khô, phòng ngủ, khu vực ăn uống và giải trí. Nhưng sau khi nhiều báo cáo nhắc tới việc xảy ra tình trạng quấy rối tình dục ở khu vực nghỉ ngơi, nhiều jjimjilbang đã chuyển sang phân tích phòng ngủ riêng biệt hay nói cách khác là tạo khu vực dành riêng cho phái nữ.
Gosiwon cũn là một thí dụ điển hình về chính sách tách biệt giới tính để ngăn chặn tội phạm. Theo đó, phần lớn các gosiwon thực hiện chia tầng dành riêng cho nam và nữ đến thuê.
“Ngoài phòng bếp và khu vực giải trí dùng chung, chúng tôi sắp xếp phòng nghỉ cho thuê dành cho nam và nữ ở các tầng khác nhau nhằm giảm thiểu mối lo về tội phạm tình dục”, ông Jeon (52 tuổi), một chủ gosiwon gần Đại học Ngoại ngữ Hankuk chia sẻ.
“Để ngăn chặn tối đa nguy cơ xảy ra tội ác tình dục” cũng là lý do khiến chính quyền thành phố Seoul thi hành chính sách phân tách giới tính đối với dịch vụ chia sẻ taxi mang tên "Banban” từ ngày 28/1. Loại hình dịch vụ taxi này phục vụ những hành khách đi qua tuyến đường trùng nhau ít nhất 70%.
Tuy nhiên, chính sách phân tách giới tính cũng vấp phải sự phản đối của một số người ở Hàn Quốc. Bởi theo họ, việc chia tách nam và nữ là cách dễ dàng để giải quyết mối lo về tội phạm tình dục, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ sẽ có thêm nhiều giới hạn bị áp đặt và làm ảnh hưởng tới lợi ích của việc pha trộn giới tính.
Dù chưa có bằng chứng khoa học đáng thuyết phục xác nhận khả năng nảy sinh tội ác tình dục gia tăng nếu như nam và nữ ngồi cùng nhau, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh và học thuật ở Hàn Quốc đã áp dụng chính sách này.
Chuyên gia Lee Mi-jeong tại Viện Nhân quyền Phụ nữ Hàn Quốc nhấn mạnh ngăn chặn tội phạm tình dục cần có cách tiếp cận bài bản hơn, bởi tội phạm tình dục kỹ thuật số cũng đang gia tăng.
“Giữa lúc chính phủ thất bại trong công tác triển khai các biện pháp trấn áp tội phạm tình dục như thi hành hình phạt mạnh tay hơn với thủ phạm, các cơ sở và người dân buộc phải áp dụng những phương án mang tính tạm thời để tránh sự liên hệ giữa nam và nữ ở các địa điểm công cộng”, chuyên gia Lee cho hay.
Trên thực tế, ngăn chặn tội phạm tình dục không phải là lý do duy nhất trong luật phân tách giới tính ở Hàn Quốc. Nguyên nhân là vì nhiều phụ nữ có xu hướng cảm thấy không thoải mái khi xung quanh có sự xuất hiện của nam giới.
Cô Park Ye-seul (25 tuổi), nữ sinh Đại học ở Seoul, cho biết “Tôi đã cố để không trở thành người có định kiến với đàn ông, nhưng rõ ràng một số nam giới nói to hơn rất nhiều so với phái nữ và điều này khiến tôi bị căng thẳng. Những chuyển động của cơ thể nam giới dù chỉ nhỏ cũng gây ra tiếng ồn nhất là trong mùa đông, khi họ mặc áo phao”.