Lời khai các bị cáo đối nhau “chan chát”
Tại các phiên tòa trước, bà Trần Ngọc Bích khai không có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh mà chỉ cho Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”) vay tiền. Các giao dịch đã được tất toán trước tháng 7/2014, trước thời điểm xảy ra vụ án.
Từ ngày 21/8 và 26/8/2013, bà Bích nhận được các khoản tiền từ Phạm Thị Trang trả nợ theo thỏa thuận ngày 21/6 và 30/7/2013. Số tiền này Trần Ngọc Bích chỉ định nhận tại tài khoản ông Trần Quí Thanh (cha của bà Bích).
Từ nguồn tiền bà Trang trả nợ, bà Bích đã trả nợ các khoản vay tại VNCB. Sau khi đã giải chấp các sổ tiết kiệm, Bích lại dùng các sổ này thế chấp vay tiếp 3.100 tỷ (21/8) và 2.090 tỷ (ngày 26/8). Sau khi vay, bà Bích có thực hiện các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn.
5.190 tỷ này VNCB đang giữ và quản lý
Cũng trong hai ngày kể trên, tổng số tiền 5.190 tỷ trong tài khoản của bà Bích đã bị Hoàng Đình Quyết, nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh theo sự chỉ đạo của Danh.
Việc chuyển tiền này trái ý muốn của bà Bích, không có chữ ký của bà Bích, và không thông báo cho bà Bích biết.
Chưa dừng lại, Phạm Công Danh và các đồng phạm còn rút 300 tỷ đồng từ VNCB không có hồ sơ vay, chuyển vào tài khoản cho Phạm Công Danh chi xài cá nhân nhưng khai rằng số tiền này do 3 cá nhân thuộc nhóm bà Bích gồm Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang đã vay của VNCB.
Tại tòa, Quyết khai thực hiện chuyển tiền theo chỉ đạo của Danh, còn Danh phủ nhận lời khai của Quyết.
Tuy vậy, dù Phạm Công Danh khăng khăng nói rằng không chỉ đạo Quyết chuyển 5.190 tỷ từ tài khoản bà Bích sang tài khoản của mình nhưng bị cáo Danh sẵn sàng chịu trách nhiệm trả khoản tiền khổng lồ này.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã chất vấn nhằm làm rõ các hành vi của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết nhưng các bị cáo này đều quanh co, tránh né.
Sau này, khi phát hiện ra sự việc, bà Bích nhiều lần yêu cầu ngân hàng giải quyết. Ngày 22/4/2014, HĐQT của VNCB có biên bản cam kết giải quyết, sau đó ra nghị quyết cam kết không tính lãi các khoản vay 5.190 tỷ, không tự ý tất toán khoản vay, và tiếp tục trả lãi các sổ tiết kiệm.
Ngày 11/8, trước câu hỏi “phải chăng ngân hàng cố tình che giấu thông tin chuyển tiền trái ý của bà Bích” của Luật sư Uyên, bị cáo Phạm Công Danh đã nổi cáu, quát nạt luật sư ngay trước mặt HĐXX. Hành vi này của Danh bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo.
Cũng tại tòa, nhân viên kế toán của Phạm Công Danh ở Tập đoàn Thiên Thanh cũng đã thừa nhận ghi thêm chữ “lãi ngoài” vào biên nhận tiền và sau đó nhân viên này bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự.
Ai được lợi?
Ngày 16/8, tại phần luận tội, đại diện VKS đã kết luận cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội và khẳng định chưa có căn cứ chứng minh quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và nhóm Trần Ngọc Bích.
Nhưng trong các lời khai của mình, Phạm Công Danh vẫn quả quyết có quan hệ vay mượn với bà Bích.
Phải chăng, với việc “vơ món nợ” 5.190 tỷ đồng vào người, Danh đang muốn hoán đổi quan hệ giao dịch giữa bà Bích với VNCB trở thành quan hệ giao dịch giữa cá nhân bà Bích với cá nhân Phạm Công Danh.
Đây là thao tác khôn ngoan, hòng đẩy giao dịch này về dân sự, để Danh thoát tội.
Sáng nay, 17/6, tại phần bào chữa cho thân chủ của mình, Luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị HĐXX xem xét 5.190 tỷ đồng là không có cơ sở VNCB bị thiệt hại nên cần tách ra.
Mặt khác, nếu trừ ra 5.490 tỷ mà nhóm bà Bích tranh chấp với VNCB thì số tiền mà cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Công Danh với hành vi cố ý làm trái là trên 1.000 tỷ, cộng thêm 2.090 tỷ thì thiệt hại chỉ trên 3.000 tỷ (chứ không phải hơn 9.000 tỷ đồng – PV).
Phải chăng vì thế, Danh cố tình “lôi” bà Bích vào cuộc? Nhận nợ của bà Bích vào người thì Phạm Công Danh sẽ thành “con nợ” gần 6.000 tỷ đồng của bà Bích, và phải có trách nhiệm trả.
Phạm Công Danh và luật sư dùng đến chiêu bài ‘thà ô thêm nợ chứ không ôm thêm tội’.
Tuy vậy, nếu tỉnh táo suy xét thì rõ ràng: Số tài sản của Danh đã bị CQĐT kê biên để khắc phục hậu quả vụ án, vậy Phạm Công Danh còn tài sản nào để trả nợ cho bà Bích?