Vì sao ông Biden và bà Harris không tiêm vắc-xin Covid-19 cùng lúc?

Bảo Hạnh |

Tổng thống đắc cử Joe Biden và vợ Jill Biden sẽ được tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên tại bang Delaware - Mỹ vào ngày 21-12.

Tổng thống đắc cử Joe Biden và vợ Jill Biden sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 vào ngày 21-12. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Joe Biden và vợ Jill Biden sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 vào ngày 21-12. Ảnh: AP

Thông tin trên được bà Jen Psaki, người được ông Biden chọn làm thư ký báo chí Nhà Trắng tương lai, công bố vào ngày 18-12. Đội ngũ chuyển giao của ông Biden không thông báo địa điểm tiêm vắc-xin cụ thể. Ngoài ra, bà Psaki cũng tiết lộ rằng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff sẽ được tiêm vắc-xin sau vợ chồng ông Biden 1 tuần.

Ông Biden và bà Harris được tiêm vắc-xin không cùng lúc là theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế để ngăn ngừa những tác dụng phụ có thể xảy ra đối với 2 người.

Trong khi đó, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ bang Colorado tuyên bố sẽ không tiêm vắc-xin Covid-19 vì ông là "người Mỹ", một phát ngôn làm dấy lên tranh cãi giữa các quan chức.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox News, ông Ken Buck nói: "Là một người Mỹ, tôi có quyền tự quyết định tiêm vắc-xin hay không và trong trường hợp này là không. Tôi lo ngại về tính an toàn của vắc-xin hơn là các tác dụng phụ của Covid-19".

Ông Buck còn khẳng định rằng mình là "một người khỏe mạnh" như "hầu hết những người Mỹ" và cho rằng những người có nguy cơ cao hay các chuyên gia y tế nên được ưu tiên tiêm vắc-xin.

Tuyên bố của ông Buck bị bác sĩ Jonathan Reiner, cựu cố vấn y tế của Tổng thống George W. Bush, phản đối. "Đây chỉ là chủ nghĩa phủ nhận khoa học thiếu hiểu biết, chống phá, mạo danh chủ nghĩa tự do. Lý do để một nghị sĩ được tiêm phòng bây giờ không chỉ đơn giản là để bảo vệ ông ta khỏi bệnh tật mà là bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây nhiễm" - ông Reiner chỉ trích.

Trong một diễn biến khác, các bang của Mỹ đang chuẩn bị tiếp nhận thêm gần 8 triệu liều vắc-xin trong tuần này. Tuy nhiên, các quan chức liên bang ngày 19-12 cho biết sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để tiêm vắc-xin cho 20 triệu người đầu tiên.

Chiến dịch Warp Speed, sáng kiến vắc-xin của chính phủ liên bang, chịu trách nhiệm đảm bảo và vận chuyển số vắc-xin này đến các bang. Lô hàng đầu tiên đã hoàn thành trong tuần trước khi 2,9 triệu liều vắc-xin của Pfizer được đưa đến hơn 600 địa điểm khắp đất nước.

Ngày 18-12, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc-xin thứ 2, sản phẩm của công ty Moderna, để sử dụng khẩn cấp. Động thái này đã tăng đáng kể nguồn vắc-xin của Mỹ và nước này có khả năng phân phối hơn 10 triệu liều vào Giáng sinh.

Tuy nhiên, dường như ngày càng có nhiều khả năng Chiến dịch Warp Speed sẽ không đạt được mục tiêu cung cấp cho 20 triệu người Mỹ liều vắc-xin đầu tiên trước khi hết năm nay. Tướng Gustave Perna, người đồng sáng lập Chiến dịch Warp Speed, cho biết kế hoạch mới nhất là phân phối 20 triệu liều vào cuối năm 2020 nhưng quá trình vận chuyển và phân phối thật sự sẽ kéo dài đến tuần đầu tiên của tháng 1-2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại