Dự án nút giao Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM) là công trình trọng điểm, khi đưa vào khai thác sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh khu vực cảng Cát Lái. Thế nhưng đến nay, sau 16 tháng dự án vẫn bị tạm ngưng, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng hơn 500 tỷ đồng.
Công trường ngổn ngang, bên trong im lìm…
Sáng 3/12, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại dự án nút giao Mỹ Thủy (Q.2), hạng mục xây dựng nhánh đường bờ hữu rạch Mỹ Thủy ngổn ngang.
Công trường thi công rào chắn quây quanh, nhưng bên trong im lìm không có máy móc, công nhân làm việc. Do ảnh hưởng của công trình, đường sá xung quanh bụi mù, đi lại gồ ghề...
Theo đại diện Công ty Trường Sơn - đơn vị thi công, công trình đang “đóng cửa” 4 tháng nay vì không có mặt bằng. Công ty Trường Sơn đã chuyển máy móc và công nhân đi làm công trình khác. Sau khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, đơn vị sẽ thi công trở lại.
Tương tự, hạng mục xây dựng nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy cũng đang dở dang vì chờ mặt bằng.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy hiện nay đạt khoảng 75% khối lượng của giai đoạn I.
Giai đoạn I dự án có 5 hạng mục chính gồm: Cầu Hà 3 gồm 4 làn xe; Hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi cảng Cát Lái; Cầu vượt trên Vành đai 2; Các nhánh đường bờ tả, bờ hữu rạch Mỹ Thủy. Hiện, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ba hạng mục.
Hai hạng mục còn lại là xây dựng nhánh bờ tả, bờ hữu đang thi công, bị vướng mặt bằng.
“Việc chậm GPMB ảnh hưởng đến tiến độ các hạng mục đang triển khai thi công, gây khó khăn cho nhà thầu trong bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, mức đầu tư của dự án phần xây lắp đã được dự trù đủ kinh phí thực hiện”, ông Ninh nói.
Đội vốn hơn 500 tỷ đồng do mặt bằng
Công trường ngổn ngang, không có công nhân làm việc. Ảnh Đỗ Loan
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, phạm vi GPMB để xây dựng nút giao Mỹ Thủy khoảng 5,8ha với khoảng 199 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng mức bồi thường 504 tỷ đồng, do UBND Q.2 thực hiện bằng dự án bồi thường riêng.
Kế hoạch hoàn thành công tác GPMB vào tháng 9/2018, tuy nhiên đã chậm nhiều so với kế hoạch.
Hiện nay, Q.2 đang hoàn tất phương án bồi thường theo ý kiến của người dân, đang xây dựng đơn giá bồi thường.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, nếu năm 2020, UBND Q.2 hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, toàn bộ dự án nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn I và II) sẽ hoàn thành vào năm 2021. Riêng 2 dự án nhánh đường bờ tả, bờ hữu rạch Mỹ Thủy sẽ hoàn thành trong 6 tháng khi có mặt bằng.
Về việc bồi thường GPMB 504 tỷ đồng, đại diện Ban bồi thường GPMB Q.2 cho biết, đây là mức bồi thường năm ngoái, bây giờ giá bồi thường mặt bằng đã tăng lên 1.029 tỷ đồng.
Việc thay đổi giá bồi thường là do dự án tăng diện tích sử dụng và giá bồi thường theo thị trường từ năm trước đến năm nay cũng đã khác.
Hiện, UBND Q.2 đã trình các sở, ngành liên quan để duyệt đơn giá bồi thường mới. Sau khi được thành phố duyệt mới bố trí vốn để bồi thường cho người dân.
Ông Trần Văn An, người dân sống ngay sát vòng xoay Mỹ Thủy, hướng về đường Vành đai 2, Q.9 cho biết: “Nhà tôi lúc đầu rất rộng, hơn 100m2, sau khi mở rộng đường Võ Chí Công, nhà tôi chỉ còn khoảng 30m2.
Sắp tới, để mở rộng dự án nút giao Mỹ Thủy, nhiều dãy nhà ở gần khu vực này đều phải giải tỏa trắng. Năm ngoái, mọi người chấp nhận đền bù với giá 40 triệu/m2 nhưng năm nay giá đền bù phải 50 triệu/m2 chúng tôi mới chịu di dời.
Chúng tôi đã hai lần lên phường làm việc về giá đền bù, có lẽ phải đến giữa năm 2020 mới xong giá đền bù”.
Đầu năm 2020 xây cầu Mỹ Thủy 3
Giai đoạn II dự án nút giao Mỹ Thủy có 3 hạng mục chính, gồm: Cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2) gồm 6 làn xe, dài 124m; Cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ gồm 2 làn xe, dài 725m; Cầu Kỳ Hà 4 (trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái) gồm 4 làn xe, dài 75m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM, tháng 1/2020 sẽ triển khai xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2) gồm 6 làn xe, dài 124m. Công trình hoàn thành trong năm 2020. Các hạng mục còn lại sẽ triển khai ngay sau khi có mặt bằng.