Vì sao những diễn biến ở Italy lại khiến thị trường tài chính quốc tế khiếp sợ?

Thu Hương |

Tình trạng hỗn loạn nội bộ và 1 cuộc bầu cử mới với kết cục rất khó dự đoán có thể sẽ mang đến 1 mùa hè đầy biến động cho thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của châu Âu.

Hôm qua (29/5), thị trường tài chính toàn cầu đã có một phiên rung lắc mạnh mà nguyên nhân đến từ những bất ổn chính trị của Italy . Tình trạng rối ren của Chính phủ nước này làm dấy lên nỗi lo khu vực eurozone sẽ 1 lần chìm trong cuộc khủng hoảng có thể khiến không chỉ lục địa già mà toàn bộ nền kinh tế thế giới chao đảo, thậm chí buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải giảm tốc độ tăng lãi suất.

Một vài chiến lược gia nhận định có rất ít khả năng nền kinh tế lớn thứ 3 eurozone sẽ rời khối đồng tiền chung và đẩy châu Âu vào 1 cuộc khủng hoảng niềm tin. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn nội bộ và 1 cuộc bầu cử mới với kết cục rất khó dự đoán có thể sẽ mang đến 1 mùa hè đầy biến động cho thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của châu Âu.

Điều gì đang diễn ra ở Italy?

Cuối tuần trước, chính trường Italy đã trải qua những giây phút kịch tính khi Tổng thống Sergio Mattarella chặn đứng nỗ lực thành lập 1 Chính phủ có quan điểm chống lại đồng euro .

Phong trào 5 sao (5-Star Movement), đảng lớn nhất ở Mỹ, và đảng cực hữu đã chọn Paolo Savona – là 1 người hoài nghi về đồng euro – làm Bộ trưởng Kinh tế. Cả hai đảng này (đều phê phán đồng tiền chung châu Âu) đã giành được hơn một nửa phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 3. Ông Mattarella phủ quyết lựa chọn này, thay vào đó bổ nhiệm cựu quan chức IMF Carlo Cottarelli làm Thủ tướng tạm thời trong nỗ lực thành lập Chính phủ lâm thời. Tuy nhiên nỗ lực của ông cũng thất bại và Italy sẽ bước vào 1 cuộc bầu cử mới vào cuối tháng 7 tới.

Cuộc bầu cử sắp tới có thể dẫn đến kịch bản cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi trở lại chính trường. Là người ủng hộ Italy quay trở lại với đồng tiền của riêng mình thay vì đồng euro, ông Berlusconi đã từng 3 lần làm Thủ tướng nhưng 5 năm trước bị cấm hoạt động chính trị vì bê bối liên quan đến thuế.

Màn kịch này khiến đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, đồng thời nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trái phiếu Italy, đổ xô đến những tài sản an toàn như trái phiếu Mỹ hay Đức. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm do Chính phủ Italy phát hành có lúc tăng lên trên 2,73%, trong khi cuối tuần trước chỉ ở mức 0,48% và thậm chí lúc đầu tháng còn có lợi suất âm.

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Dow Jones giảm hơn 450 điểm. Dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhóm tài chính giảm hơn 3%. Ở châu Âu, lợi suất trái phiếu do các ngân hàng Italy phát hành tăng vọt vì cổ phiếu của chúng bị bán tháo.

Ảnh hưởng đến quyết định của Fed

Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng MUFG Union Bank, nhận định một loạt dữ liệu mới đây cho thấy đà tăng trưởng của kinh tế châu Âu đang đối mặt với nhiều nguy cơ. "Đây (sự kiện ở Italy) là giọt nước làm tràn ly đối với châu Âu, và nó sẽ lan sang cả Mỹ. Với những gì đang diễn ra, tôi dự đoán phải đến tháng 9 Fed mới tăng lãi suất".

Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng các thị trường chỉ đang phản ứng với những diễn biến của cuối tuần qua và có thể sẽ yên ắng trở lại trong những phiên sắp tới. "Đây chưa phải là 1 cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Lợi suất trái phiếu Italy 10 năm chỉ hơn 3%, quay trở lại năm 2012 lợi suất là 8%. Tình thế không giống nhau".

"Tôi chắc chắn là nhiều trader người Mỹ ước rằng châu Âu có thể ngăn chặn những cuộc "tiểu trưng cầu dân ý" như thế này và họ cũng tự hỏi đồng euro có thể sống sót hay không. Tuy nhiên mối bận tâm sẽ sớm quay trở lại nước Mỹ, với báo cáo việc làm và tiền lương được công bố cuối tuần này".

Đối với một vài nhà đầu tư, cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy giống như "ảo giác" deja vu về cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. "Sự hỗn loạn ở châu Âu gây áp lực giảm lên lãi suất Mỹ, cùng với USD tăng giá khiến người ta nghĩ rằng Fed sẽ phản ứng bằng cách suy nghĩ lại về lộ trình tăng lãi suất", Marc Chandler – trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Brown Brothers Harriman nói. "Đây cũng là rủi ro đối với nền kinh tế thực bởi vì châu Âu là 1 đối tác thương mại lớn".

Được hậu thuẫn bởi nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, Fed đang trên lộ trình tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, dự kiến sẽ vào cuộc họp ngày 13/6 tới. Fed dự báo lãi suất sẽ tăng 3 lần trong năm nay, nhưng các thị trường đều dự đoán sẽ có 1 đợt tăng vào tháng 9 thay vì chỉ còn 1 lần tăng khác vào tháng 12.

Hiện Italy là nền kinh tế nặng nợ nhất ở eurozone, với khối nợ 2.300 tỷ USD, tương đương 132% GDP năm 2017. Con số cao gấp đôi so với mức nợ của Đức và cao hơn nhiều so với mức trung bình 87% của eurozone.

Trong khi đó Tây Ban Nha trở thành 1 mối lo khác của thị trường. Tuần này nội các của Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau vụ bê bối tài chính. Cuộc bỏ phiếu này hoàn toàn có thể dẫn đến Tây Ban Nha – vốn đang đau đầu với yêu cầu chia tách của vùng Catalan - phải đối mặt với 1 cuộc bầu cử mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại