Nếu bạn là một người khá thông minh, khả năng là: 1, bạn xã giao ít hơn so với bạn bè của mình, và 2, bạn lo lắng không biết "bệnh" lười giao tiếp xã hội này có bình thường hay không.
Phần lớn chúng ta đều biết, người thông minh thường hay âu lo, ngại quảng giao, một phần vì họ nhạy cảm, hay để ý mọi thứ hơn người bình thường.
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trong Tạp chí Tâm lý Anh đã đi một bước xa hơn khi chỉ ra rằng: những người thông minh không thích xã giao, vì một lý do khá là kỳ lạ.
Xã giao đem lại hạnh phúc, trừ trường hợp
Nghiên cứu này khảo sát 15,000 người có độ tuổi từ 18-28 và phát hiện rằng với những người bình thường, xã giao với bạn bè càng nhiều, họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Điều này chẳng có gì mới lạ, vì con người là một loài động vật xã hội, chúng ta cần tâm sự, nói chuyện, kết giao, tán gấu, ăn nhậu, để chia sẻ mọi chuyện cùng nhau.
Từ thuở săn bắt hái lượm, tổ tiên chúng ta đã sống rất gần gũi với nhau dưới hình thức bộ lạc nhỏ, vì vậy nhu cầu cần được giao tiếp gần như đã nằm ở trong gene, có mặt ở hầu hết mọi người bình thường.
Tuy nhiên các nhà khoa học lại thấy rằng người thông minh là một ngoại lệ. Với những người có IQ càng cao, khi càng xã giao nhiều với bạn bè, họ lại càng cảm thấy không hạnh phúc hơn. Nhưng tại sao?
Lý do là bởi người thông minh thường tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Họ có khao khát và một phần bị thôi thúc cần phải sử dụng trí thông minh của mình để tạo ra một thứ gì đó vĩ đại hơn chính bản thân họ.
Ví dụ, hãy thử nghĩ về một người bạn biết hồi đại học hay ai đấy tự đi làm kinh doanh. Trong khi theo đuổi những tham vọng và mục tiêu của họ, họ buộc phải giảm thiểu tối đa những giao tiếp xã hội để tập trung vào công việc, hoàn thành mục tiêu.
Thay vì dành thời gian vào tán gấu, họ có thể gạt nhu cầu giải toả như người bình thường sang một bên để tránh xa những cuộc xã giao vô bổ.
Khi phải theo đuổi lẽ sống lớn lao của mình, những người thông minh sẽ thà ngồi nhà và làm việc hơn là suốt ngày ra ngoài tươi cười đàm đạo, chén cậu chén tôi, lưu số điện thoại của nhau để rồi sống hôm sau chẳng nhớ ai là ai.
Cầu người không bằng cầu mình
Người bình thường sẽ nghĩ mối quan hệ là mối tiền, nhưng người thông minh sẽ hiểu đấy là một lời nói dối hoàn hảo. Nếu bạn đã kém cỏi, thì dù có lưu được số những người tầng lớp trên, bạn cũng không thể nhờ họ mà mang lại lợi ích gì cho mình.
Lúc bạn rụt rè giới thiệu mình trước một buổi tiệc toàn những người thành công, tất nhiên đa số cũng chẳng để tâm đến bạn. Kiểu xã giao này chỉ làm bạn mất sức lực, tốn thời gian, và ngày càng tự tin hơn vì lo lắng.
Người thông minh hiểu rằng cầu người chẳng bằng cầu mình. Không phải là họ không quý trọng tình bạn, họ có. Nhưng họ hiểu rằng để có thể làm được việc lớn, những cuộc xã giao vô bổ không giúp được gì nhiều cho mục tiêu của mình, ngoài trừ làm mình thấy vui hơn.
Ai lâu năm không gặp đột nhiên lại "Alo" thì chắc chắn chỉ để cho đủ quân số mà thôi. Ai không hẹn lại gọi bạn đi cafe thì cũng vì cần mà họ mới nhớ tới.
Đột nhiên được mời đi ăn cơm mà không có lịch trước thì chỉ gọi bạn đi giải sầu mà thôi. Lúc đó, hãy kiên quyết nói không, bởi vì người thông minh thực sự không bao giờ xã giao!
Con người có bản năng cần được nói chuyện, cần được chia sẻ để cảm thấy hạnh phúc, nhưng người thông minh biết tiết chế nhu cầu này lại để chờ đợi phần thưởng lớn hơn cho mình.
Tất nhiên, đi ăn nhậu là vui đấy, cafe nhiều với bạn bè là vui đấy, nhưng đổi lại họ sẽ lãng phí khoảng thời gian quan trọng nhất trong thời trai trẻ của mình.
Vì vậy, chúng ta đều có thể học được gì đó từ những người thông minh. Không phải họ không quý trọng tình bạn, nhưng họ cũng quý trọng việc tu thân dưỡng tính cho mình.
Nếu có thời gian rảnh rỗi, thay vì đi xã giao, hãy làm những việc bạn cần làm trước, bữa nhậu để sau cũng chưa muộn.