Theo quan niệm của nhiều người, ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài.
Bởi thế mà vào ngày này, mọi người thường đổ xô đi mua vàng vì tin rằng như vậy, họ sẽ gặp được may mắn và có được tài lộc trong suốt cả năm. Nhưng liệu bạn có thực sự hiểu về nguồn gốc ngày vía Thần Tài không? Hãy cùng tìm hiểu xem sao.
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Thần tài là một vị thần được nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình kinh doanh, buôn bán thờ phụng. Ông chính là vị thần giúp bảo vệ của cải, đem lộc may mắn đến cho gia chủ.
Theo T.S Đinh Đức Tiến thuộc khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì có ít nhất 2 câu chuyện được dân gian lưu truyền lại về nguồn gốc ngày vía Thần Tài.
Chuyện kể rằng, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong 1 lần đi chơi uống rượu, say quá nên Thần rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai.
Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.
Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài không làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn.
Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua. May mắn thay, Thần Tài tìm lại được đúng quần áo của mình. Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng Giêng. Bởi thế, mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó.
Một điển tích khác cũng được truyền tụng nhau. Truyền thuyết kể rằng, có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần ban cho một người hầu tên Như Nguyệt.
Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có. Một hôm, vào ngày mùng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà.
Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh lại nghèo. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ.
... và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng thần của người Việt
Theo nhiều chuyên gia, việc mua vàng cầu may dịp năm mới là một nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt. Việc làm này vừa mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, cầu may đầu năm vừa là hình thức tiết kiệm của người xưa.
Xưa kia, vàng vốn dĩ là thứ tài sản quý. Vì không có ngoại tệ nên các tiểu thương thường lấy số tiền lãi của năm ngoái để đầu tư mua vàng. Một phần là để tránh mất giá, phần vì có thể quy đổi ngược khi cần.
Bởi thế mà người xưa thường tích góp để mua vàng. Bên cạnh đó, mua vàng đầu năm còn là hình thức tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết của người Việt. Đây như cách để chúng ta duy trì của ăn, của để, vừa tích luỹ cho tương lai lại thúc đẩy tinh thần hăng say lao động sản xuất của mỗi người.
Tuy nhiên, việc mua bán vàng hiện nay dường như trở thành "trào lưu". Theo tâm lý đám đông mà người người nhà nhà đổ xô đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài.
Nhiều người thường đổ xô đi mua vàng vào ngày vía Thần tài để mong cả năm tài lộc sung túc.
Nhưng sự thật là chưa có tài liệu nào chứng minh việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài sẽ giúp tài lộc cả năm sung túc.
Vì thế, nếu có điều kiện, bạn có thể đi mua cho mình một chút vàng vào đầu năm để may mắn, nhưng không nhất thiết phải chen lấn xô đẩy kẻo "tiền mất, tật mang".