Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Hồng Anh |

Ngày 19/12/2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã khiến thế giới sửng sốt khi tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

LTS: Ngày 29/4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của Libya hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên.

Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua. Tuy Mỹ gọi đây là mô hình "kiểu mẫu", nhưng các quốc gia khác như Triều Tiên hay Iran luôn cho rằng chính quyết định từ bỏ hạt nhân đã gián tiếp gây ra sự sụp đổ của chính quyền ông Gaddafi và Libya.

Tòa soạn xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.

***

Ngày 19/12/2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã khiến thế giới sửng sốt khi tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến Tripoli để chứng kiến nước này thực hiện cam kết.

Sau tuyên bố của ông Gaddafi, các thanh sát viên từ Mỹ, Anh và các tổ chức quốc tế khác đã được phái đến Libya để đảm bảo quá trình tháo dỡ và phá hủy các cơ sở vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, cùng với các loại tên lửa đạn đạo tầm xa. Washington cũng đã bình thường hóa quan hệ song phương với Tripoli sau hơn 20 năm lạnh nhạt.

Kể từ đó, quyết định từ bỏ hạt nhân của Libya đã trở thành "tấm gương" cho những quốc gia được cho là đang phát triển WMD. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Rademaker từng nói về quyết định của Libya hồi tháng 5/2005: "Trong một thế giới phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, quyết định quay đầu (như Libya) không bao giờ là quá muộn".

Việc Tripoli giải trừ WMD cũng được coi là thành công đối với ngành tình báo Mỹ, bởi họ được cho là đã phát hiện và ngăn chặn một số hành động hỗ trợ cho Libya của cha đẻ chương trình hạt nhân Pakistan, ông Abdul Qadeer Khan. Vào thời điểm đó, ngành tình báo Mỹ cũng đang phải đối mặt nhiều lời chỉ trích gay gắt vì đã không ngăn chặn được Iraq phát triển WMD.

Những tưởng mọi sự đã ổn thỏa sau khi Tripoli quyết giải trừ WMD, thì tháng 2/2011, một cuộc nội chiến khốc liệt đã nổ ra tại Libya, mở màn là cuộc đụng độ giữa những người biểu tình chính trị hòa bình và chính phủ nước này.

Những cuộc đụng độ nhỏ đã mở đường cho những cuộc xung đột vũ trang lớn hơn và đẫm máu hơn giữa lực lượng trung thành với ông Gaddafi là các nhóm phiến quân nổi loạn chống đối chính phủ. Căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm khi lực lượng phiến quân lật đổ chính quyền và giết chết ông Gaddafi ngày 20/10/2011.

Những diễn biến chính dẫn đến quyết định giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya

- 29/12/1979: Chính phủ Mỹ liệt Libya vào danh sách những nước tài trợ cho khủng bố, và áp lệnh trừng phạt đối với các quốc gia trong danh sách này.

- 6/5/1981: Mỹ đóng cửa đại sứ quán Libya tại Washington và lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Libya.

- 7/1/1986: Tổng thống Mỹ Reagan gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế và đóng băng tài sản của Libya tại Mỹ, vì tin rằng Tripoli vẫn tiếp tục tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế, và liên quan đến hai cuộc tấn công nhằm vào các sân bay tại Rome và Vienna.

- 15/4/1986: Tổng thống Reagan ra lệnh không kích một số mục tiêu tại Libya để trả đũa cho vụ tấn công hộp đêm tại Berlin, Đức được cho là có sự tham gia của Libya.

- 21/12/1988: Máy bay Pan Am 103 khởi hành từ London tới New York phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland khiến 259 hành khách và 11 người có mặt tại hiện trường thiệt mạng. Hai quan chức Libya trở thành đối tượng tình nghi chính trong vụ tai nạn thảm khốc này.

- 19/9/1989: Máy bay UTA 772 phát nổ trên đường đến Paris, Pháp, khiến 171 hành khách thiệt mạng, và các điều tra viên cho biết họ tìm thấy chứng cứ cho thấy đây là hành động khủng bố, và có sự tham gia của Libya.

- 31/3/1992: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp các lệnh trừng phạt đối với Libya, bao gồm các lệnh cấm buôn bán vũ khí và cấm hàng không.

- 7/1995: Libya quyết định tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

- 5/4/1999: Libya giao nộp 2 kẻ tình nghi trong vụ tấn công máy bay tại Lockerbie ra xét xử, và Liên Hợp Quốc quyết định tạm hoãn lệnh trừng phạt.

- 5/1999: Các quan chức Libya thỏa thuận từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hóa học trong cuộc họp kín với Mỹ, đồng thời thừa nhận trách nhiệm vụ nổ máy bay ở Lockerbie.

- 1999-2000: Các cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu thu thập được tin tức rằng Libya đang "tái phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí sinh học", đồng thời phát hiện chuyến tàu chở các bộ phận chế tạo vũ khí hạt nhân trên đường đến Libya.

Sau khi LHQ hoãn lệnh trừng phạt, Libya lại tiếp tục tìm cách sở hữu và phát triển các loại vũ khí hóa học.

- 8/2002: Mỹ tiếp tục gây sức ép khi gia tăng trừng phạt và giảm mức đầu tư vào Libya.

- Đầu tháng 3/2003: Các quan chức cấp cao Libya thỏa thuận với Anh và Mỹ về việc từ bỏ WMD.

- 12/9/2003: HĐBA LHQ đồng thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Libya.

- 19/12/2003: Libya chính thức tuyên bố giải trừ các loại WMD (vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học) sau 9 tháng thỏa thuận với Anh, Mỹ.

Những nguyên nhân dẫn đến quyết định giải trừ WMD của Libya cũng là vấn đề gây tranh cãi. Rất nhiều cựu quan chức thời chính quyền Tổng thống Bush khẳng định Tripoli vì sợ kịch bản Mỹ tấn công Iraq năm 2003 sẽ lặp lại tại Libya, hơn nữa, hồi tháng 10/2003, một con tàu chở các thành phần chế tạo vũ khí hạt nhân được cho là đang hướng đến Libya đã bị Mỹ chặn lại.

Chính lãnh đạo Libya Gaddafi, trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2003 đã thừa nhận rằng việc Mỹ tấn công Iraq là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định giải trừ các loại WMD của ông này.

Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài lại cho rằng chính các lệnh trừng phạt nặng nề và nỗ lực ngoại giao của các nước phương Tây mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền ông Gaddafi quyết định từ bỏ WMD.

Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân? - Ảnh 2.

Các bộ phận chế tạo vũ khí hạt nhân của Libya. Ảnh: Reuters/Courtesy.

Sau đây là bài phân tích của tác giả Målfrid Braut-Hegghammer, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Oslo, Thụy Điển, về quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân của Libya:

Trong cuốn sách Unclear Physics: Why Iraq and Libya failed to build nuclear (Tạm dịch: Vật lý mơ hồ: Lí do Iraq và Libya không thể phát triển vũ khí hạt nhân), tôi đã giải thích lí do hai nước này không thể có được vũ khí hạt nhân.

Chương trình của Iraq bị gián đoạn bởi cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi nước này gần chạm tay đến đột phá mới về vũ khí hạt nhân; còn Libya thì tự nguyện từ bỏ chương trình phát triển WMD hồi cuối năm 2003, sau khi đạt được một thỏa thuận với Mỹ và Anh.

Cho đến nay, những điều đã xảy ra tại Iraq và Libya vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn trên thế giới. Trong những năm gần đây, các quan chức Triều Tiên đã nhắc đến trường hợp của Iraq và Libya để biện hộ cho việc họ phát triển vũ khí hạt nhân, với lí lẽ rằng số phận của hai ông Saddam và Gaddafi chính là "gương tày liếp" về hậu quả khủng khiếp khi từ bỏ WMD.

Không chỉ riêng Triều Tiên, mà các quan chức Iran cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Quyết định từ bỏ WMD của Libya được Mỹ coi là mô hình mẫu, là tấm gương để các nước khác noi theo. Tuy nhiên, sự thật là các nước khác không hề muốn 'theo chân' Libya. Qua những cuộc phỏng vấn với các quan chức Libya sau khi quyết định này được đưa ra, tôi nhận thấy nhiều người tỏ ra vô cùng hối tiếc vì quyết định của ông Gaddafi.

Những quan chức tôi phỏng vấn trong 2 năm 2005 và 2006 cho biết họ thấy rất xấu hổ, và cảm thấy bị lừa dối trước quyết định này.

Nhiều quan chức thất vọng vì lợi ích kinh tế có được từ thỏa thuận quá ít ỏi, và không đủ để mang đến những biến chuyển to lớn cho nền kinh tế nước nhà mà họ luôn mong đợi. Họ phẫn nộ vì chỉ được tham dự những diễn đàn thế giới trong vai trò thứ cấp, dù họ đã tự nguyện từ bỏ phát triển WMD với mong muốn được tái hội nhập với cộng đồng thế giới.

Vậy các quan chức Libya đã kì vọng nhận được gì từ thỏa thuận năm 2003? Tại sao họ lại từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, và họ đã phản ứng ra sao trước kết quả của thỏa thuận này, trước khi cuộc nội chiến năm 2011 nổ ra?

Quyết định của Libya đã được suy tính kĩ lưỡng

Việc Libya từ bỏ hạt nhân năm 2003 không phải quyết định bộc phát, mà nó đã bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỉ trước, khi Tripoli đề nghị thảo luận về chương trình hạt nhân với Washington.

Tuy nhiên, quá trình đưa ra quyết định năm 2003 của nước này không hề dễ dàng. Libya đã theo đuổi vũ khí hạt nhân từ những năm 1970, và việc từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này đã đánh dấu bước chuyển vô cùng quan trọng trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Libya.

Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân? - Ảnh 3.

Nhiều quan chức và người dân Libya cho rằng ông Gaddafi đã quyết định sai lầm.

Trước hết phải kể đến những thành phần quan tâm đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và WMD trong chính quyền ông Gaddafi, bao gồm một số thành phần cấp tiến thuộc quan chức chính phủ hoặc quân đội Libya. Tuy nhiên, họ cũng phải đấu tranh với các nhóm ảnh hưởng ủng hộ việc từ bỏ hạt nhân để giúp Libya thoát khỏi tình trạng cô lập và các lệnh trừng phạt quốc tế.

Những người ủng hộ từ bỏ vũ khí hạt nhân đã thuyết phục ông Gaddafi rằng quyết định này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể khi các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí được dỡ bỏ, đồng thời họ cũng rất trông đợi vào những lời hứa hỗ trợ của Anh và Mỹ.

Những người Libya muốn được đảm bảo về an ninh (nhưng không hề nhận được điều này) - nên có vẻ các nhà đàm phán từ Anh và Mỹ đã gợi ý sẽ bán khí tài quân sự cho họ. Tôi không rõ họ đã hứa những gì, và các bên đã hiểu những lời hứa đó ra sao, nhưng rõ ràng Libya muốn một lời cam kết chắc chắn từ đối phương để đảm bảo chế độ tồn tại nếu họ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam Gaddafi, cho biết một trong những điều khiến cha ông trăn trở nhất chính là những rủi ro khi từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó bao gồm nỗi lo ngại rằng phương Tây sẽ tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy chống lại chế độ của ông. Và nỗi sợ của ông Gaddafi đã trở thành sự thật khi cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra tại nước này.

Tuy nhiên, chương trình vũ khí hạt nhân của Libya cũng đã phải đổi mặt với nhiều thách thức lớn khiến nó khó có thể thành công như chính quyền Tripoli mong đợi. Quả thật, có thể coi chương trình này là một chuỗi các sáng kiến thất bại, chủ yếu do những điểm yếu của bộ máy chính quyền Libya.

Khi tôi phỏng vấn các quan chức Tropoli, bao gồm những người tham gia đàm phán thỏa thuận năm 2003 và các cá nhân có liên quan mật thiết đến quá trình đàm phán, họ đã đưa ra hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau về tình trạng chương trình vũ khí hạt nhân của Libya. Một bên cho rằng chương trình này không thành công, và Libya đã được hưởng lợi khi từ bỏ nó.

Trái lại, các quan chức cấp cao khác - kể cả con trai ông Gaddafi - lại khẳng định chương trình hạt nhân của Libya là một nỗ lực nghiêm túc. Cả Saif al-Islam và Matuq, người lãnh đạo chương trình hạt nhân trước năm 2003, đều cho rằng Libya chỉ cần thêm 5 năm nữa để có thể chạm đến loại vũ khí hủy diệt hàng loại này.

Dựa vào đánh giá trên, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được sự tiếc nuối và phẫn nộ của nhiều quan chức Libya, bởi họ tin rằng chính quyền ông Gaddafi đã từ bỏ một điều mà họ sắp sửa đạt được.

Những người dân Libya cũng không hài lòng khi lãnh đạo của họ công bố quyết định hệ trọng này. Họ cảm thấy xấu hổ và không muốn nghĩ rằng lãnh đạo của họ quyết định như vậy vì sợ sẽ kết thúc như số phận của Iraq và chế độ ông Saddam Hussein.

Tóm lại, có rất nhiều bài học có thể được rút ra từ quyết định từ bỏ hạt nhân của Libya. Chẳng hạn, sự phẫn nộ của các quan chức Libya cho thấy các nước tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân cần được đền bù xứng đáng hơn về mọi mặt. Hoặc việc gạt các nước đó khỏi bàn nghị sự có thể sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng sau này.

Cuối cùng, vẫn còn một bài học quan trọng khác từ thất bại của Libya, đó là: một số nước sẽ thấy rằng, việc tin tưởng các cam kết lâu dài của Mỹ đôi khi có thể trở thành sai lầm chí tử.

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton: Mỹ đang cân nhắc áp dụng "mô hình Libya" đối với Triều Tiên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại