Vì sao ngoại hành tinh kỳ lạ này lại có màu hồng như viên kẹo khổng lồ ngoài vũ trụ?

Anh Việt |

Theo NASA, chính nhiệt độ hiệu dụng cao cùng các đám mây khí trong bầu khí quyển của GJ 504b đã tạo nên màu hồng kỳ lạ cho hành tinh này.

Tính đến hiện tại, NASA đã phát hiện được hàng nghìn "ngoại hành tinh" – thuật ngữ những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời bằng kính viễn vọng không gian Kepler. Các ngoại hành tinh đã được phát hiện rất đa dạng về cả hình dạng và kích cỡ. Trong số đó có một số hành tinh có bề mặt rất kỳ lạ, thậm chí là đáng sợ giống như trong phim khoa học viễn tưởng.

Mới đây nhất, NASA đã chia sẻ hình ảnh tuyệt đẹp về một hành tinh màu hồng có tên GJ 504b. Được phát hiện lần đầu vào năm 2013 bởi đài thiên văn Subaru đặt tại Hawaii, hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ có tên GJ 504 cách Trái Đất 57 năm ánh sáng.

Đây là là một ngôi sao loại G0, với nhiệt độ bề mặt nóng hơn một chút so với Mặt Trời và có thể nhìn thấy lờ mờ bằng mắt thường nếu chúng ta hướng mắt về phía chòm sao Xử Nữ trên bầu trời đêm.

Vì sao ngoại hành tinh kỳ lạ này lại có màu hồng như viên kẹo khổng lồ ngoài vũ trụ? - Ảnh 1.

GJ 504b quay xung quanh ngôi sao chủ GJ 504 cách Trái Đất 57 năm ánh sáng

GJ 504 và GJ 504b là hai thiên thể tương đối trẻ, chỉ mới hình thành được khoảng 160 triệu năm. Để so sánh, Hệ Mặt Trời có độ tuổi khoảng 4,5 tỷ năm.

Với bầu khí quyển bao gồm gồm khí heli và hydro, GJ 504b được phân loại là hành tinh kiểu Sao Mộc (Jovian planet), hay hành tinh khí khổng lồ, với kích thước lớn hơn Trái Đất rất nhiều lần. Mặc dù là một trong số các hành tinh nhẹ nhất mà con người từng phát hiện ngoài hệ Mặt Trời, GJ 504b vẫn nặng hơn gấp 4 lần sao Mộc.

Đáng chú ý, GJ 504b nằm rất xa ngôi sao chủ của nó, khoảng 6,5 tỷ km, tương đương gần 44 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.

Do mới được hình thành cách đây khoảng 160 triệu năm, GJ 504b vẫn còn khá nóng, nhiệt độ hiệu dụng khoảng 237 độ C. Theo NASA, chính nhiệt độ hiệu dụng cao cùng các đám mây khí trong bầu khí quyển của GJ 504b cùng đã tạo nên màu hồng kỳ lạ cho hành tinh này.

Được biết, Michael McElwain, một nhà thiên văn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cùng các đồng nghiệp phát hiện ra GJ 504b và ngôi sao của nó.

"Nếu chúng ta có thể tới hành tinh màu hồng này, chúng ta sẽ thấy nó vẫn tiếp tục phát sáng bởi nhiệt trong quá trình kiến tạo hành tinh", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại