Khói bốc lên tại khu vực Bakhmut ở miền đông Ukraine ngày 25-12 - Ảnh: REUTERS
Đề nghị đàm phán của Nga
"Chúng ta sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ. Chúng ta không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính họ là bên đã làm như vậy" - Tổng thống Putin nói trên truyền hình nhà nước Nga trong một cuộc phỏng vấn ngày 25-12.
Trên Hãng tin Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin giải thích rõ hơn rằng Matxcơva sẽ không ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện "không thể chấp nhận được" mà Ukraine đặt ra.
Ngược lại, cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng chính Matxcơva không muốn đàm phán.
"Nga không muốn đàm phán nhưng cố né tránh trách nhiệm", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Podolyak nói. Cố vấn khác của ông Zelensky là Alexander Rodnyansky cho rằng lời đề nghị của Nga nhằm thuyết phục các nước thôi viện trợ cho Kiev và "câu giờ" để Nga tái củng cố lực lượng.
Mỹ thời gian qua cũng không tin vào lời đề nghị đàm phán của Nga. Washington nhấn mạnh quan điểm "đàm phán cần phải đi kèm điều kiện Matxcơva rút quân". Sau bài phát biểu tương tự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tháng 10-2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng Nga chỉ "làm màu".
"Chúng tôi không coi đây là một đề nghị hợp pháp, mang tính xây dựng để tham gia vào đối thoại và ngoại giao", ông Price nói.
Ngược lại, Nga cũng có lập luận của riêng mình. "Chuyến thăm của ông Zelensky tới Mỹ và các cuộc nói chuyện của ông ấy ở Washington cho thấy rằng cả chính quyền Mỹ lẫn Kiev đều chưa sẵn sàng cho hòa bình. Cả hai đều chọn chiến tranh", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói trên truyền thông Nga cuối tuần trước, nhắc đến việc ông Zelensky đến Mỹ và nhận được cam kết hỗ trợ lớn từ Washington, bao gồm một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất là hệ thống tên lửa Patriot.
Tìm kiếm nhượng bộ?
Viện Nghiên cứu chiến tranh cho rằng lời đề nghị đàm phán của Matxcơva không thực sự dành cho Kiev. Theo tổ chức này, Nga thực ra đang hướng đến việc đàm phán với phương Tây và lời đề nghị đàm phán nhằm thúc phương Tây buộc Ukraine phải nhượng bộ trước.
Trong khi đó, cựu chỉ huy quân đội Anh, ông Richard Dannatt, nói rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang gặp rắc rối.
“Ông (Putin) đã tăng quân mới, huy động hàng ngàn quân. Nhưng tôi không nghĩ ông ấy trang bị đủ cho họ. Tôi nghĩ ông (Putin) nói từ thế yếu. Nếu tôi là tổng thống Ukraine, tôi sẽ không muốn nghe nói về đàm phán hòa bình vào thời điểm hiện tại” - ông Dannatt nói trong một cuộc phỏng vấn trên trang GB News.
Trong lúc các lời đề nghị đàm phán kèm điều kiện được phía Nga đưa ra, chiến sự vẫn tiếp diễn gay gắt ở Ukraine. Nga đến nay vẫn khẳng định sẽ đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng mọi giá, trong khi Kiev kiên quyết đánh bại Nga trên chiến trường.
Ngày 27-12, Ukraine cho biết Nga thiệt hại nặng nề ở Bakhmut, trung tâm chiến sự ở miền đông nước này. Viện Nghiên cứu chiến tranh trước đó nhận định sự tiến công của Nga đang chậm lại tại các vùng tiền tuyến quanh Bakhmut ở miền đông Ukraine.
“Các lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ các hoạt động tấn công của họ ở khu vực Bakhmut và có thể tìm cách tạm dừng chiến thuật hoặc chiến dịch”, Hãng tin AP dẫn lời tổ chức này đánh giá.
Theo tờ The Conversation, dù triển vọng tổ chức đàm phán hòa bình sẽ khó sớm diễn ra, thực tế là Ukraine và Nga vẫn có liên lạc thời gian qua, trong các vấn đề như trao đổi tù nhân.
"Chúng cho thấy rằng cả hai bên đều có các kênh đàm phán không chính thức. Đây có thể là hy vọng tốt nhất lúc này để tránh leo thang nguy hiểm và giảm thiểu một số tác động tồi tệ nhất của cuộc chiến đối với người dân thường", tờ này viết.