Tình thế cấp bách, NATO đột ngột lập bộ chỉ huy mới hỗ trợ Ukraine, ra loạt quyết sách mạnh tay

Thi Anh |

Các sáng kiến mới cho Ukraine đã được NATO phát triển trong nhiều tháng, nhưng tình thế trở nên cấp bách hơn sau màn tranh luận bầu cử Mỹ mới đây.

Bước đi đáng chú ý của NATO

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ triển khai một quan chức dân sự cấp cao tại Kiev, WSJ dẫn nguồn quan chức Mỹ và NATO đưa tin ngày 1/7. Đây là một trong số nhiều biện pháp mới được liên minh này thiết kế nhằm tăng cường hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần tới.

Theo WSJ, các bước đi này nhằm củng cố triển vọng gia nhập liên minh cho Ukraine trong bối cảnh chưa có đề xuất tư cách thành viên ở thời điểm hiện tại. Động thái được đưa ra giữa thời điểm làn sóng chính trị cánh hữu đang gia tăng khắp châu Âu và xuất hiện khả năng ông Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng, cũng như nguy cơ Mỹ giảm mức hỗ trợ đối với Ukraine.

NATO cũng đang thiết lập một bộ chỉ huy mới tại Wiesbaden (Đức) để điều phối công tác cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev và đào tạo quân đội Ukraine.

Tình thế cấp bách, NATO đột ngột lập bộ chỉ huy mới hỗ trợ Ukraine, ra loạt quyết sách mạnh tay - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine tại Donetsk. Ảnh: ALINA SMUTKO/REUTERS

Với tên gọi Hỗ trợ và Đào tạo An ninh NATO cho Ukraine, chiến dịch này sẽ có sự tham gia của gần 700 nhân sự Mỹ cùng các đồng minh khác từ NATO, và tiếp quản phần lớn nhiệm vụ mà quân đội Mỹ đã thực hiện kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Tình thế cấp bách: "Trump-proofing"?

Các sáng kiến mới đã được phát triển trong nhiều tháng, nhưng tình thế trở nên cấp bách hơn sau màn thể hiện của Tổng thống Biden trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với Trump hôm 27/6 vừa qua và những phàn nàn của Trump về số tiền Mỹ đã chi cho Ukraine.

"Một lý do lớn cho sự thay đổi là để giúp cho nỗ lực hỗ trợ Ukraine không bị ảnh hưởng bởi Trump", cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder nhận định, sử dụng cụm từ "Trump-proofing" (chống Trump) vốn đang được nhắc tới nhiều lần trong quan điểm của NATO hiện tại.

"Thay vì để Washington phụ trách quản lý đào tạo và hỗ trợ, NATO sẽ tiếp quản. Vì vậy, ngay cả khi Mỹ giảm bớt hoặc rút lui khỏi nỗ lực hỗ trợ thì công tác này cũng sẽ không bị loại bỏ".

Với việc các đảng phái cực hữu đang nhận được sự hỗ trợ của cử tri ở Pháp, Hà Lan và khắp Liên minh châu Âu, việc thể chế hóa vai trò của NATO cũng có thể làm cho viện trợ quân sự cho Ukraine ít bị ảnh hưởng hơn trước những biến đổi chính sách giữa các thành viên liên minh.

Các quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ đánh giá rằng, các bước đi này sẽ cho phép liên minh phối hợp tốt hơn nỗ lực của các quốc gia phương Tây về cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc thử thách ý chí kéo dài giữa Moscow và phương Tây ở biên giới NATO. Kế hoạch cũng nhằm giúp quân đội Ukraine trở nên giống với các quân đội trong NATO hơn.

Các nhà ngoại giao NATO cho biết, các thành viên liên minh hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đạt nhất trí về cam kết tài chính hàng năm liên quan tới hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù các điều khoản vẫn đang được đàm phán.

Các cuộc thảo luận gần đây giữa các thành viên liên minh bao gồm cả việc thiết lập mục tiêu khoảng 40 tỷ đô la hàng năm và tăng giá trị đóng góp từ các quốc gia, mặc dù nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục là nhà tài trợ lớn.

Tình thế cấp bách, NATO đột ngột lập bộ chỉ huy mới hỗ trợ Ukraine, ra loạt quyết sách mạnh tay - Ảnh 2.

Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 27/6. Ảnh: Getty

Mặc dù nhiều thành viên NATO cho rằng liên minh nên mời Ukraine gia nhập, nhưng Mỹ và Đức phản đối việc thực hiện bước đi này tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Nguồn tin của WSJ tiết lộ, trong một nỗ lực nhằm che giấu những khác biệt trong liên minh, có khả năng NATO sẽ mô tả đề nghị gia nhập liên minh của Ukraine là "không thể đảo ngược", dựa trên ngôn từ trong một thông cáo của NATO năm ngoái rằng "tương lai của Ukraine là nằm trong NATO" và một thông cáo năm 2008 nói Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO một ngày nào đó.

Dấu hiệu NATO thay đổi "thái độ"

Theo các sáng kiến đã được thống nhất, chờ phê duyệt thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhân viên từ các thành viên trong liên minh ngoại trừ Mỹ sẽ làm việc cùng với người Mỹ tại trung tâm chỉ huy mới của NATO để cân đối quyên góp thiết bị quân sự sao cho phù hợp với nhu cầu của Ukraine và điều phối quá trình chuyển giao.

Họ cũng sẽ phối hợp đào tạo cho quân đội Ukraine, để đảm bảo những gì được cung cấp đáp ứng nhu cầu của Kiev. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định, nhân viên NATO sẽ không tự mình thực hiện bất kỳ công tác đào tạo nào.

Các thay đổi nhằm xây dựng động lực về thể chế và lan tỏa kiến thức về hậu cần liên quan đến việc chuyển các tiếp liệu từ hàng chục quốc gia đến biên giới của Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói vào tháng trước ở Brussels rằng, những thay đổi sẽ đặt sự hỗ trợ của liên minh cho Ukraine "trên nền tảng vững chắc hơn cho những năm tới".

Mặc dù sự thay đổi sẽ làm tăng cường mức độ tham gia của NATO, nhưng Mỹ vẫn là bên cung cấp phần lớn nhân sự.

Quan chức dân sự cấp cao tại Kiev sẽ tập trung vào các yêu cầu hiện đại hóa quân sự lâu dài của Ukraine và hỗ trợ các vấn đề phi quân sự, liên kết với cả bộ chỉ huy dự kiến ở Wiesbaden và trụ sở NATO ở Brussels.

Các bước đi mới cũng báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong thái độ của liên minh này. Ban đầu, NATO giữ khoảng cách với chiến dịch quân sự của Ukraine để tránh bị cáo buộc là một bên tham gia xung đột. Tuy nhiên, WSJ nhận định, những thay đổi có tổ chức này đồng nghĩa với việc NATO hiện đã sẵn lòng đảm nhận vai trò đáng kể hơn trong việc trợ giúp Kiev.

"Vì các đồng minh NATO đã cung cấp hơn 90% tổng hỗ trợ an ninh cho Ukraine, NATO nghiễm nhiên là nơi để điều phối hỗ trợ nhằm đảm bảo Ukraine có khả năng tăng cường tự vệ ở hiện tại và trong tương lai", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại