Vì sao Mỹ “im lặng” khi chiến sự Nagorno-Karabakh đỏ lửa?

Hồng Anh |

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã lựa chọn đứng bên lề nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có cả cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

VOV.VN - Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã lựa chọn đứng bên lề nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có cả cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Mỹ đang rút lui khỏi nhiều vấn đề quốc tế lớn

Những tin tức xuất hiện tuần trước về việc các nhà lãnh đạo của Nga và Pháp nỗ lực thúc đẩy các bên liên quan đến cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn, có lẽ đã khiến ông Carey Cavanaugh – cựu Đại sứ Mỹ được giao nhiệm vụ giảm căng thẳng giữa ArmeniaAzerbaijan chạnh lòng.

Một phần là bởi cuộc xung đột kéo dài cả thế kỷ đã bùng phát trở lại, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người, trong đó có cả dân thường. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ việc Mỹ - đồng Chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), không phải là bên tham gia nỗ lực này.

“Mỹ đã không phối hợp trong cuộc thảo luận về tính hình chiến sự Nagorno-Karabakh”, ông Cavanaugh cho biết.

Cavanaugh là một trong số các nhà quan sát tình hình diễn ra tại Caucasus. Ông cho rằng sự kiện diễn ra trong tuần qua là ví dụ mới nhất cho thấy Mỹ đang tách rời khỏi sân khấu về chính trị và ngoại giao trên toàn thế giới. Đã có nhiều lo ngại về việc Bộ Ngoại giao của nước Mỹ dưới thời ông Trump đang đánh mất vai trò và vị thế.

Ông Thomas de Waal, chuyên gia nghiên cứu khu vực Caucasus thuộc viện nghiên cứu Carnegie Europe nhận xét: “Người Mỹ đã rút khỏi vấn đề này. Nếu ông Trump muốn nghe tin tức về Azerbaijan thì đó là bởi ông muốn xây dựng tháp Trump ở nơi đây”.

Đến nay, chính quyền ông Trump hầu như giữ thái độ im lặng trước cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ đề cập đến cuộc xung đột này khi ông được hỏi trong một cuộc phỏng vấn và ông không đưa ra bất cứ cam kết nào. Phát biểu với Fox News, ông Pompeo nói: “Theo tôi, đó là cuộc xung đột kéo dài giữa hai quốc gia về vấn đề lãnh thổ. Chúng tôi không khuyến khích quốc tế hóa vấn đề này và cho rằng những nhân tố bên ngoài cần phải đứng bên lề. Chúng tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của hai nước đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn”.

Trump không muốn “gây hấn” với Putin

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã chọn đứng bên lề nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, so với các chính phủ tiền nhiệm, đặc biệt khi vấn đề đó nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Tổng thống Trump được cho là thường tránh những tuyên bố khiến Tổng thống Putin khó chịu, bất chấp việc các đồng minh của Washington, chẳng hạn như Anh và Litva cố gắng thuyết phục Bộ ngoại giao Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn liên quan đến cuộc khủng hoảng Belarus hay vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny.

Sự thiếu quan tâm của Mỹ đối với cuộc xung đột Nagorno-Karabakh thể hiện rõ từ tháng 8/2017 khi Mỹ bổ nhiệm Andrew Schofer làm đặc phái viên mới tại Nhóm Minsk, nhưng không cấp cho nhân vật này tư cách đại sứ. Điều đó khiến ông Andrew Schofer ở một vị trí thấp hơn so với các đồng nghiệp của Nga và Mỹ.

Ông Carey Cavanaugh đánh giá, đối với một cuộc tranh chấp đầy phức tạp, quyết định của Mỹ có thể làm tổn hại các nỗ lực ngoại giao: “Duy trì sự bình đẳng là điều quan trọng vì điều đó sẽ tạo cho Armenia và Azerbaijan cảm giác cân bằng. Họ không phải lo lắng về việc Nga hay Mỹ có ảnh hưởng quá lớn đến nhóm Minsk”.

Các Đại sứ của Mỹ tại Armenia và Azerbaijan đã ban hành khuyến cáo đi lại đối với công dân Mỹ, cảnh báo bạo lực có thể gia tăng ở khu vực Nagorno-Karabakh. Nhưng lo ngại của họ dường như chưa được Washington lưu tâm. “Bộ Ngoại giao Mỹ không hề ban hành một tuyên bố nào nói về việc họ lo lắng về tình hình xung đột”, chuyên gia Thomas de Waal nhấn mạnh và cho rằng đây là sự “thiếu hành động”.

Phải đến ngày 27/9, 5 ngày sau khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra, cả 3 thành viên của nhóm Minsk (Nga, Pháp, Mỹ) mới ra tuyên bố đầy đủ lên án cuộc giao tranh.

Thái độ chính quyền Tổng thống Trump Mỹ hoàn toàn khác biệt so với thái độ của chính phủ tiền nhiệm khi giao tranh Armenia và Azerbaijan nổ ra vào năm 2016. “Ở thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của cả hai nước”, bà Olesya Vartanyan, thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho biết.

“Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cùng với những người đồng cấp Pháp và Nga đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của Azerbaijan và Armenia. Sự hiện diện của ông đóng một vai trò quan trọng bởi nó giúp các bên có thể nhất trí về một số biện pháp nhằm bình ổn tình hình và ngăn chặn xung đột leo thang".

“Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Mỹ dường như không còn quan tâm đến cuộc xung đột này. Những gì chúng ta chứng kiến là các hoạt động ngoại giao con thoi ít diễn ra hơn. Nếu là ở thời điểm trước đó, các đại diện của Mỹ sẽ đến khu vực, nói chuyện với các nhà lãnh đạo để xem xét quan điểm của họ và tìm kiếm giải pháp. Họ có thể đưa ra nhiều đề xuất khác nhau, mặc dù không phải tất cả các đề xuất đều hiệu quả nhưng ít nhiều cũng giúp hạ nhiệt tình hình. Khi Armenia và Azerbaijan phải tự đứng ra giải quyết vấn đề của hai nước, nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc giao tranh mới và căng thẳng sẽ leo thang nhanh chóng hơn”, nhà phân tích Olesya Vartanyan nói thêm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại