Vài ngày trước, chuyện người tài xế xe tải Phan Văn Bắc cứu xe khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc trở thành một sự kiện truyền thông. Dư luận dành cho người tài xế không quen biết ấy sự xuýt xoa cảm phục. Có không ít đánh giá cho rằng anh tài xế là một người hùng.
Tuy vậy, bỗng chốc dư luận lung lay. Thông tin có vẻ đã khác đi, không còn "nguyên trạng", khi người ngồi ở cabin chiếc xe khách được cứu lên tiếng. Theo những mô tả mới, dường như người tài xế xe tải kia còn có vẻ của... tội đồ.
Một phần đáng kể ý kiến trên mạng xã hội đã lập tức xoay chuyển, theo hướng lên án người tài xế có tên là Bắc. Đáng ngạc nhiên – và lại như thường lệ, tất cả những người quay ngoắt về đánh giá đều không có mặt ở hiện trường.
Bởi vậy, những chi tiết tưởng như được dư luận mạng mô tả khách quan xung quanh vụ việc đều ít tính tin cậy. Và cũng vì thế, cách nhìn nhận đơn giản nhất là trở về kết quả của vụ việc.
Có hơn 30 người đã được cứu sống. Thay vì lao xuống vực, chiếc xe khách chỉ bị bẹp phần đầu. Thay vì nhận một kết cục khủng khiếp, nhiều người trên chiếc xe may mắn ấy đã như được sinh ra lần thứ hai.
Chúng ta chỉ được phép giả định thôi (vì không biết thông tin xác thực để mà bàn tán): trong giây phút đó, tài xế xe tải có thể hành động khác đi không? Hoàn toàn là có thể. Bởi vì cú va đột ngột trên đường đèo sẽ đủ làm giật thót ngay cả người có thần kinh thép.
Tài xế xe tải là người bình thường, lái xe thuê để kiếm cơm. Anh đương nhiên là sợ hãi. Điều khác biệt duy nhất so với đa số người trong tình huống tương tự là anh không bỏ chạy, phó mặc sự đời.
Bất kể diễn biến cụ thể nào đã xảy ra, với độ khác biệt lớn về đánh giá, thì kết quả nói trên vẫn là điều đáng để nhớ nhất. Khen thưởng hay không, vinh danh hay không, đâu có gì là quan trọng nữa. Quan trọng chỉ là có hơn 30 con người đã bình an thoát chết.
Nhưng câu hỏi đau đáu đang hiện hữu: tại sao một phần dư luận lại dễ dàng quay ngoắt? Tại sao lòng tốt lại nhanh chóng bị hoài nghi?
Ở phút giây sinh tử, phải nói thật với nhau rằng ai trong đời này cũng sợ chết cả. Chẳng ai muốn chọn cái chết để làm anh hùng hay để được ngợi ca. Chẳng mấy ai muốn mạo hiểm sinh mạng mình để làm người cứu nhân độ thế. Trong một khoảnh khắc, người tài xế xe tải chỉ có một lựa chọn. Và lựa chọn ấy thế nào, là do tính thiện lương.
Một người không làm điều thiện sẽ rất dễ hoài nghi điều thiện được làm bởi người khác. Lý do là khi không tự thôi thúc được mình, người ta sẽ không thể tin kẻ khác lại làm được điều ấy. Có phải quá lời không, khi dè dặt nghĩ rằng chắc rằng đa số người đang quay ngoắt chỉ trích trong đời chưa từng một lần cứu giúp ai?
Có một câu châm ngôn dạy rằng trong bóng tối, chỉ cần một que diêm cũng toả sáng và ánh sáng của que diêm đủ lấp đầy phòng tối. Lòng tốt cũng vậy thôi. Nó đủ ấm áp để lấp đầy sự thờ ơ. Nó đủ sáng để làm tan những lời vội vàng phán xét.
Vậy thì lòng hoài nghi nảy nở nhanh, có lẽ vì lòng tốt vẫn còn hiếm hoi. Trong một hoàn cảnh xã hội mà sự bon chen tranh đoạt và bất công còn phổ biến, số đông dễ nghi ngờ, ấy cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ có một con đường để lòng tốt đâm chồi, là tự mình sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Trồng cây hoa sẽ có hoa, trồng cây gai thì sẽ có cây gai. Nhân quả trong đời giản dị vậy thôi. Lòng tốt trở thành một thói quen, điều lành sẽ đậu quả.
Cuộc đời có những giây phút rủi ro không thể dự liệu. Nhưng chắc hẳn rằng, khi có sẵn mầm thiện lương, trong khoảnh khắc bất ngờ cần ghé vai giúp người thoát nạn, sẽ có nhiều "anh Bắc". Và chính điều đó sẽ luôn mạnh hơn mọi lời cật vấn.