Vì sao kích thích kinh tế không hiệu quả tại Trung Quốc?

Quỳnh Mai |

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thành quá nhiều mục tiêu đối lập tại cùng một thời điểm.

Những nhà quản lý kinh tế đáng tự hào của Trung Quốc đang mắc một sai lầm thường thấy. Họ đang nỗ lực hoàn thành quá nhiều mục tiêu cùng lúc, và một số mục tiêu trong đó mâu thuẫn với nhau.

Thay vì cố gắng khôi phục, bộ chính sách khó hiểu do họ đưa ra chỉ làm tăng thêm cảm giác thiếu chắc chắn của các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường. Điều này sẽ tiếp tục tạo áp lực cho sự tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung trong năm 2019.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm sâu, tăng trưởng kinh tế ở tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009 và căng thẳng thương mại leo thang, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn từ chối áp dụng gói kích thích kinh tế quy mô lớn họ từng dùng trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngân hàng trung ương tiếp tục tăng thanh khoản và giảm vốn dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Bộ trưởng Tài chính đã giảm thuế và hỗ trợ tài chính thông qua phát hành lượng trái phiếu chính quyền địa phương trị giá 2,4 triệu nhân dân tệ từ tháng 7 đến tháng 9, tăng gấp đôi so với quý trước.

Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và phân phối vốn cho những doanh nghiệp thực sự cần, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và công ty nhỏ.

Trong vòng một tháng qua, mỗi quan chức kinh tế đều đưa ra những biện pháp mới nhằm phân phối vốn cho những tổ chức trên. Chịu trách nhiệm cho công tác này là Uỷ ban Ổn định và Phát triển Tài chính. Mới đây, Uỷ ban này đã điều phối các nhóm giám sát từ Bắc Kinh tới nhiều tỉnh khác nhằm đảm bảo thực hiện các chính sách mới nhất.

Vấn đề nằm ở chỗ những nỗ lực trên thiếu nhất quán với những chính sách mà chính phủ đưa ra trong suốt năm 2017 và đầu năm nay. Vào thời điểm đó, chính quyền trung ương chủ yếu tập trung giải quyết rủi ro trong hệ thống tài chính thông qua kiểm soát vay liên ngân hàng đầu cơ, vay ngoài bảng cân đối và những sản phẩm quản lý tài sản sơ sài.

Những nỗ lực này đã thành công hơn so với những gì các nhà phân tích nhận ra: Lượng tài sản liên ngân hàng tại Trung Quốc giảm hơn 3 tỉ nhân dân tệ trong năm 2017. Số liệu này cho thấy sự mâu thuẫn đầu tiên trong tài sản liên ngân hàng kể từ năm 2010 khi chương trình kích thích quy mô lớn của chính phủ tạo ra những thách thức nợ hiện nay.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn quay lại con đường giảm rủi ro trong hệ thống tài chính vì vậy, họ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nâng cao quản lý rủi ro và kiểm soát bảng cân đối, ngay cả khi họ tăng cường khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Về mặt lý thuyết, động thái này có nguy cơ tín dụng cao hơn.

Trong giai đoạn giám sát mới đây, một phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, Pan Gongsheng, đã khuyến khích 30 ngân hàng nhỏ cấp thành phố hỗ trợ khu vực tư nhân bởi những ngân hàng này đã từng phục vụ đối tượng khách hàng này.

Các ngân hàng cấp thành phố đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành chính xác nhiệm vụ này bởi họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ thị trường liên ngân hàng đang suy giảm dần hơn là các khoản tiết kiệm gia đình. Dù mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ của chính phủ chân thành cỡ nào, thì hỗ trợ vẫn chưa đủ.

Mô tả chính sách tiền tệ mới cập nhật đầu tháng này của ngân hàng trung ương có vẻ như đã rõ ràng hơn. Theo đó, chính sách tiền tệ có tính chất "trung lập, thắt chặt vừa phải và nới lỏng vừa phải… [với một] nguồn tiền được kiểm soát tốt."

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) cũng thừa nhận những khó khăn hiện nay khi phát biểu rằng "cân bằng toàn diện cần [được ban hành] trong phạm vi những mục tiêu này" và hứa hẹn sẽ "điều chỉnh kịp thời và linh hoạt và tinh chỉnh… dựa trên tình huống thay đổi."

Điều này khiến cho những tuyên bố vốn đã khó hiểu của PBOC càng khó cắt nghĩa. Họ cũng chỉ ra nguyên nhân vì sao cơ chế chuyển đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc lại thiếu hiệu quả, đó là hỗ trợ tăng thanh khoản đã không thể ngăn chặn tốc độ giảm tăng trưởng tín dụng kéo dài 15 tháng.

Các ngân hàng hiện không biết nên hành động ra sao trước chính sách này. Nhiều ngân hàng lo ngại rằng nếu họ tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ như được chỉ đạo, thì họ sẽ bị trừng phạt do mạo hiểm sau này.

Rõ ràng, quản lý một nền kinh tế đang chuyển mình với hơn một tỉ người không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên các chính sách tại Trung Quốc chỉ hiệu quả khi ưu tiên tính rõ ràng và bao quát.

Đó chính là lý do vì sao các nhà lãnh đạo từng rất thành công khi nỗ lực giảm rủi ro trong hệ thống ngân hàng ở giai đoạn đầu trong năm ngoái. Khi đó, chủ tịch Tập Cận Bình từng nói rủi ro tài chính đã trở thành rủi ro an ninh quốc gia, mỗi tổ chức và quan chức kinh tế và tài chính biết làm sao để dồn năng lượng giảm thiểu những rủi ro này.

Dù vậy, hiện nay, các ngân hàng lại được chỉ đạo phải giảm thiểu rủi ro trong khi hỗ trợ các doanh nghiệp đầy rủi ro.

Chính quyền địa phương được yêu cầu khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng, đồng thời, loại bỏ các trở ngại ngân sách. Các cơ quan đầu tư nhận được thông báo rằng nền kinh tế vừa tự lực vừa mở cửa với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tất cả những chỉ đạo trên đều cho thấy sự thiếu nhất quán trong hoạch định chính sách. Nếu chính sách vẫn tồn tại nhiều điểm thiếu rõ ràng, thì chính phủ sẽ khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra, và suy thoái kinh tế tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại