Cựu quan chức chỉ trích Bắc Kinh "dại dột"
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), vừa qua ông Long Yongtu, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, đã công khai chỉ trích chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, và đặc biệt lên án quyết định đánh thuế nhằm vào mặt hàng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ là "dại dột".
Ông Long Yongtu là cựu Thứ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế của Trung Quốc, từng dẫn đầu đoàn đàm phán giúp đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phát biểu trên đã được ông đưa ra trong một hội nghị thường niên do hãng truyền thông chuyên về các vấn đề tài chính Caixin tổ chức.
Trong đó, ông Long cho rằng việc lồng ghép các chủ đề chính trị trong các cuộc đàm phán thương mại là điều không phù hợp.
"Nếu chúng ta [Trung Quốc] cử những người chuyên về vấn đề chính trị tham gia các cuộc đàm phán [thương mại], thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được thỏa thuận", ông Long nói. Tuy nhiên, ông này không chỉ đích danh "những người" đó là ai. "Chúng ta chưa suy nghĩ thấu đáo", vị cựu trưởng đoàn đàm phán nhận định.
Ông Long Yongtu là cựu Thứ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: VCG.
Cụ thể, ông Long cho rằng việc chính phủ Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đậu tương nhằm trả đũa đòn giáng của Tổng thống Donald Trump là quyết định "dại dột".
"Các sản phẩm nông nghiệp là mặt hàng rất nhạy cảm [trong thương mại], và đậu tương cũng vậy... Chúng ta nên tránh nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp, trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Nhưng chúng ta đã đánh vào các mặt hàng này, cụ thể là đậu tương, ngay từ đầu [cuộc thương chiến]", ông Long nói.
Quả thật, đó có thể là "đòn đau" đối với ông Trump, do hầu hết các bang sản xuất đậu tương chủ chốt của Mỹ đều ủng hộ vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng đó vẫn là quyết định thiếu cân nhắc của các nhà hoạch định chính sách và chính quyền Bắc Kinh: "Trung Quốc đang rất cần nhập đậu tương, vậy tại sao chúng ta lại đánh vào mặt hàng đó ngay từ đầu chứ? Đó là điều đã được cân nhắc kĩ càng sao?"
Ăn miếng, trả miếng
Trung Quốc đã áp mức thuế 25% lên mặt hàng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ, ngay từ vòng đầu tiên của cuộc chiến thương mại. Đậu tương là nguyên liệu thô chủ chốt trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước này.
Điều này đã giảm đáng kể lượng đậu tương xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc và khiến người nông dân Mỹ khốn đốn, nhưng đồng thời thị trường Trung Quốc cũng "lao đao" không kém, khi giá bán thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao.
Đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp là các mặt hàng "rất nhạy cảm" trong cuộc chiến thương mại, theo ông Long Yongtu. Ảnh: Reuters.
Lí do Bắc Kinh lựa chọn mặt hàng này ngay từ vòng đầu của cuộc thương chiến là vì họ muốn gây tác động mạnh đến các bang ủng hộ Đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, và hiện nay là Chủ tịch quỹ hưu trí quốc gia của nước này, đã tuyên bố Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng gây đau đớn cho kinh tế Mỹ bằng cách "đánh" vào các lĩnh vực chủ chốt như đậu tương, sản xuất ô tô, và chế tạo máy bay.
Washington đã khơi mào cuộc thương chiến từ tháng 7 năm nay, với tuyên bố đánh thuế 25% nhằm vào 50 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại động thái ấy, Bắc Kinh cũng đã tung ra đòn đáp trả tương xứng đối với hàng nhập khẩu Mỹ.
Đến tháng 9, phía Mỹ lại tiếp tục khiến tình hình căng thẳng leo thang hơn nữa, khi tuyên bố áp mức thuế bổ sung 10% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời đe dọa rằng con số này còn có thể tăng lên 25% kể từ tháng 1/2019, nếu như Bắc Kinh không chịu thay đổi các chính sách thương mại hiện hành của nước này.
Do cách biệt giữa hai nước về thương mại, lần này Bắc Kinh chỉ đáp trả bằng đòn giáng thuế quan nhằm vào 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Theo SCMP, những lời chỉ trích hiếm hoi của ông Long được đưa ra trong thời điểm đoàn đàm phán thương mại của hai nước Mỹ-Trung chuẩn bị có vòng đàm phán mới.
Tuy nhiên, ông Long cho biết ông vẫn giữ thái độ "lạc quan thận trọng" về triển vọng cuộc thương chiến giữa hai nước Trung-Mỹ được giải quyết, bởi mức thuế của ông Trump cũng đang có những tác động không mấy tích cực đối với lợi ích của nước Mỹ.
"Tôi khá thích tính cách của ông Trump"
, ông Long nói. "Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại có thể đem lại kết quả khả quan cho hai nước".