Trong những tháng vừa qua, các cơn bão mang mưa vào nước ta làm ngập lụt khắp đất nước. Mỗi khi dự báo thời tiết, chúng ta thường nghe nhắc đến lượng mưa vài trăm hay vài chục mm. Vậy những con số đó có ý nghĩa gì và lượng mưa được đo như thế nào?
Nếu đo được lượng mưa 200mm nghĩa là nếu đất không ngấm nước, sau cơn mưa sẽ ngập 200mm, hoặc 20cm. Trên thực tế, đất sẽ ngấm nước và chảy ra sông suối. Đó là lý do ta ít khi cảm nhận trực tiếp được lượng mưa.
Việc chế tạo thiết bị đo lượng mưa khá đơn giản. Sử dụng một ống trụ tròn có đáy phẳng. Trên thành trụ đánh dấu theo đơn vị đo tương ứng như mm hay cm. Khi trời mưa, để ống trụ này ra ngoài trời và hứng mưa. Như vậy chúng ta đã có một thiết bị đo lượng mưa.
Sau cơn mưa, lượng nước mưa dâng lên vạch nào thì chính là lượng mưa đo được. Ví dụ, 25mm hay 110mm, v.v..
Một điểm cần chú ý đó là kích thước của ống trụ không quan trọng. Đó là vì thể tích của trụ được tính bằng chiều cao nhân với diện tích đáy. Và tỉ lệ mưa được tính bằng giọt mưa trên một đơn vị diện tích. Tổng hợp lại, diện tích thiết bị đo không còn quan trọng nữa.
Dĩ nhiên, nếu bạn chọn ống trụ có diện tích miệng nhỏ thì việc đo đạc sẽ rất khó khăn và kém chính xác. Nếu dùng miệng thu nước mưa to ra như hình phễu, mực nước trong ống trụ đo sẽ tăng lên nhanh chóng và ta phải chia cho tỉ lệ miệng phễu.
Vậy sau khi có kết quả, làm sao ta biết lượng mưa như vậy là lớn hay nhỏ. Giả sử ta đo được lượng mưa là 200mm, nghĩa là nước sẽ ngập trên sân 20cm. Nếu sân có diện tích 100m2 thì thể tích nước mưa sẽ là 100m2 nhân 0.2m và bằng 20m3.
Thiết bị đo lượng mưa với miệng phễu
Với một cơn mưa có lượng mưa 200mm và cái sân 100m2, bạn đã thu được 20m3 nước. Hãy tưởng tượng nếu mưa trên diện tích lớn trên nhiều tỉnh thành phố, lượng nước chảy về các sông suối sẽ khủng khiếp như thế nào.
Tái chế chai nhựa làm thiết bị đo lượng mưa