Vì sao khi Mỹ ra tay ở Trung Đông, ông Kim Jong-il ở ẩn tận 50 ngày nhưng ông Kim Jong-un thì không?

An An |

Khi Mỹ tấn công Afghanistan, Iraq, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã không xuất hiện công khai lần lượt trong 25 ngày và 50 ngày - được cho là để tránh trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 7/1 đưa tin, Chủ tịch Kim Jong-un mới đây đã đi kiểm tra công trường xây dựng Nhà máy phân bón phốt phát Sunchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo KCNA, ông Kim Jong-un coi nhà máy phân bón Sunchon làm điểm dừng đầu tiên trong hành trình thị sát đầu năm, để nhấn mạnh đây là một trong những hạng mục xây dựng kinh tế được đảng Lao động Triều Tiên rất quan tâm trong năm 2020, năm đầu tiên Triều Tiên khởi động chương trình phấn đấu đột phá.

Được biết, đây là chuyến khảo sát đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong năm 2020, chỉ 5 ngày sau khi ông đến Cung điện Mặt trời Kumsusan để viếng cha và ông nội vào ngày 2/1.

Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) ngày 5/1 nhận định, sau khi Mỹ ám sát Thiếu tướng Iran Qassim Soleimani vào ngày 3/1, có ý kiến ​​cho rằng ông Kim Jong-un sẽ ở ẩn một thời gian ngắn nhưng chuyến đi thăm Sunchon đã đi ngược lại dự đoán của giới chuyên gia. 

Trước đó, bộ phận giới phân tích cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ ở ẩn trong thời gian ngắn như cha ông - cố lãnh đạo Kim Jong-il. Trước đây, khi Mỹ tấn công Afghanistan (2001) và Iraq (2003), cố Chủ tịch Kim Jong-il đã không xuất hiện công khai lần lượt trong 25 ngày và 50 ngày - được cho là để tránh trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un lại khác, ông chọn tham gia các sự kiện công khai. Theo báo Hàn, điều này cho thấy ông không quan tâm đến vụ ám sát tướng Soleimani và nền kinh tế của Triều Tiên đã gặp khó khăn ở một mức độ nhất định do các lệnh trừng phạt gây nên nên Chủ tịch Triều Tiên cần phải thể hiện hành động quyết tâm phát triển kinh tế.

Nhận định về việc này, quan chức chính phủ Hàn Quốc ngày 7/1 cho rằng, "ông Kim Jong-un luôn nhấn mạnh tình hữu nghị với Tổng thống Mỹ Donald Trump" và "hoặc ông tin rằng bản thân không giống tướng Soleimani, hoặc cố ý thể hiện sự tự tin".

Tờ DongA Ilbo dự đoán, hành động ám sát tướng Iran phần nào cũng gây áp lực nhất định đối với Chủ tịch Kim Jong-un nhưng trong bối cảnh nhạy cảm hiện tại, ông lại không ở ẩn như cố lãnh đạo Kim Jong-il mà ông còn "thoải mái" tham gia các hoạt động công khai là bởi, ông tin rằng, Mỹ không dám hành động khinh suất với Triều Tiên như Iran.

Báo Hàn Quốc cho hay, sự tự tin của Chủ tịch Kim Jong-un chủ yếu nằm ở lợi thế địa lý của Triều Tiên. Triều Tiên nằm giữa Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong số bốn nước láng giềng này, có hai cường quốc quân sự (Trung Quốc và Nga), hai cường quốc kinh tế (Trung Quốc và Nhật Bản) và hai đồng minh quan trọng của Mỹ (Nhật Bản và Hàn Quốc). Các nước này sẽ không đồng ý để Mỹ "hành động khinh suất" trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, vị trí địa lý của Iran lại không thuận lợi bằng, Trung Đông vốn luôn là một "thùng thuốc súng". Các quốc gia láng giềng của Iran là Afghanistan và Iraq là những quốc gia mà quân đội Mỹ có kinh nghiệm tác chiến thực tế và không có cường quốc nào trong các khu vực khiến Mỹ phải e dè.

Ngoài ra, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng, Mỹ không thể cùng lúc đối đầu với Triều Tiên, đặc biệt đây là thời điểm quan trọng khi ông Trump chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Điều này có nghĩa, leo thang trong quan hệ Mỹ-Iran đã làm giảm bớt căng thẳng quan hệ Mỹ-Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại