Rạng sáng ngày 8/1, lực lượng Cách mạng Vệ binh Hồi giáo Iran đã phóng nhiều tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq - một phản ứng sau vụ Thiếu tướng Qassim Soleimani thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ.
Nhận định về động thái này, ông Hoa Lê Minh, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, cũng là chuyên gia về Trung Đông cho biết, điều quan trọng nhận hiện nay là phản ứng của Mỹ đối với hành vi trả đũa của Iran.
"Nếu hành vi quân sự của hai bên vượt khỏi tầm kiểm soát thì nguy cơ chiến tranh bùng nổ rất cao, điều này vô cùng nguy hiểm đôi với toàn thế giới. Vì thế, thời điểm này là một nút thắt quan trọng, cũng là thời khắc quan trọng thử thách sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo Mỹ-Iran", ông này nói. "Thế chiến I vốn xuất phát từ một vấn đề nhỏ nhưng cuối cùng lại biến thành cuộc đại chiến lôi kéo nhiều nước lớn trên thế giới tham gia. Đó chính là một bài học kinh nghiệm".
Theo cựu Đại sứ Trung Quốc, việc tướng Soleimani bị quân đội Mỹ ám sát đã khiến người dân Iran tức giận, khiến các nhà lãnh đạo Iran dường như không có cơ hội xoay sở ở trong nước nên hành động trả đũa quân sự là kết quả tự nhiên.
Trong khi đó, áp lực từ Quốc hội, dư luận và bầu cử cũng sẽ gây sức ép lên Tổng thống Donald Trump, hành động tiếp theo của Mỹ là không thể tránh khỏi. "Quan trọng là mức độ trả đũa lớn đến đâu, có tìm lối thoát hay không", ông Hoa Lê Minh cho biết, lực lượng Mỹ ở Vịnh Ba Tư được phân bố rộng và rất khó để dự đoán bước phát triển tiếp theo của tình hình hiện nay. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Iraq sẽ trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ xung đột Mỹ-Iran.
Ông Dương Hy Vũ, chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định, sau hai sự kiện Mỹ ám sát tướng Soleimani và Iran tấn công quân sự Mỹ ở Iraq, nền chính trị hai nước đang chịu tác động rất lớn, nếu không kịp thời kiểm soát tình hình, chiến tranh sẽ khó tránh khỏi. Điều quan trọng là Mỹ, Iran và cộng đồng quốc tế ngay lập tức phải ngăn chặn tình trạng căng thẳng, leo thang hiện nay.
"Vào lễ kỷ niệm một trăm năm kết thúc Thế chiến I, nhiều chuyên gia đã phân tích rằng, nếu những nhà hoạch định chiến lược các nước thời điểm đó biết rằng sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới, thì họ sẽ không làm như vậy. Nhưng tất cả đều là giả thiết sau sự việc, khi đó dù ai ra quyết định, có thể sẽ đều từng bước xuôi theo tình hình", ông Dương cho rằng, Washington và Tehran không nên sẵn sàng phát động chiến tranh toàn diện và có thể lãnh đạo hai nước cũng không có ý tưởng như vậy nhưng sự phát triển của cảm xúc phi lý trí trong nước có thể sẽ đưa đến một cục diện chiến tranh không thể kiểm soát.
"Những điều đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo của hai nước là một thử thách lịch sử. Làm thế nào để tìm điểm cân bằng vừa không rời xa bầu không khí chính trị trong nước, vừa thiết thực trong trách nhiệm mang tính lịch sử về bảo vệ lợi ích lâu dài của mỗi quốc gia và khu vực, tìm ra phương án thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. Điều này cần dũng khí và trí tuệ lớn", ông nói.
Theo ông này, Liên Hợp Quốc và các cường quốc khác cũng nên phát huy hết trách nhiệm quốc tế vào thời điểm này để ngăn chặn tình hình leo thang.