Phải thừa nhận, hiếm có phiên bản hệ điều hành iOS nào lại gặp nhiều lỗi đến vậy. Tính đến hiện tại, Apple đã phải tung ra tới 4 bản cập nhật để vá lỗi cho iOS 13.
Chi tiết hơn, sau khi ra mắt hơn 1 tuần, có khoảng 30 lỗi lớn, nhỏ trên iOS 13 được thống kê, với một số lỗi nghiêm trọng thậm chí gây ảnh hưởng tới phần cứng. Cá biệt, một số trường hợp iPhone sau khi cập nhật đã gặp lỗi không thể sửa chữa được và buộc người dùng phải mang ra Apple Store để được đổi máy mới.
Không chỉ riêng iPhone, những bản cập nhật phần mềm macOS cũng gặp nhiều lỗi khó chịu. macOS Catalina vừa được phát hành trong tháng 10 tuy không có nhiều tính năng mới nhưng vẫn có lỗi vặt.
Không ít iFan thậm chí đã phải đặt câu hỏi: Tại sao Apple lại liên tiếp gặp khó khăn khi phát hành những phiên bản hệ điều hành mới nhiều đến vậy?
Vì sao iOS 13 liên tục gặp lỗi?
Theo chia sẻ của David Shayer, kỹ sư phần mềm từng làm việc 18 năm tại Apple, phiên bản cập nhật iOS 13 gặp nhiều lỗi vì những lý do sau đây.
Lý do đầu tiên đến từ quy trình sửa lỗi của Apple, vốn chỉ ưu tiên những lỗi mới phát hiện. Một số lỗi đã tồn tại quá lâu như lỗi chia sẻ ảnh trên iCloud hoặc đồng bộ danh bạ đến từ chính quy trình làm việc có phần 'quan liêu' của Apple. Đơn giản, không một ai nhận trách nhiệm sửa những lỗi này, theo tiết lộ của Shayer.
"Thông thường, Khi một kỹ sư phát hiện lỗi, anh ta phải sửa lỗi đó luôn. Tuy nhiên, nếu như lỗi này không được ai sửa, và kỹ sư đảm bảo chất lượng nhận ra lỗi đã tồn tại trong một phiên bản trước đó, nó sẽ được đánh dấu là lỗi đã cũ. Với những lỗi cũ, có khả năng là sẽ không có ai được giao việc sửa lỗi", cựu kĩ sư phần mềm của Apple giải thích.
Bên cạnh đó, danh mục sản phẩm của Apple hiện khá lớn, và các kĩ sư phần mềm chịu sức ép buộc phải tăng số tính năng trên mỗi phiên bản hệ điều hành được tung ra. Điều này dẫn đến việc kiểm soát lỗi của tất cả tính năng trở nên khó khăn hơn. Đương nhiên, việc đảm bảo hệ điều hành không xảy ra lỗi là điều bất khả thi với mỗi lần phát hành cập nhật cho hàng chục triệu thiết bị.
"Hệ điều hành iOS hiện tại của Apple có tới vài chục triệu dòng code. Tất cả các thiết bị Apple như Mac, iPhone, iPad, Apple Watch, AirPods hay HomePod cần có khả năng đồng bộ với nhau và cùng sử dụng iCloud. Mọi ứng dụng đều phải xử lý đa luồng và làm việc cùng nhau. Thiết bị Apple giờ phức tạp hơn nhiều so với quá khứ, do vậy việc phát triển và kiểm định cũng khó hơn", ông Shayer cho biết.
Đồng thời, cựu kĩ sư phần mềm Apple cũng đưa ra các lý do khác như lịch cập nhật quá sát, các cảnh báo lỗi từ phía người dùng thiếu thông tin hay thiếu các công cụ kiểm soát lỗi tự động, tất cả những yếu tố này khiến cho iOS của Apple ngày càng tệ.
Tuy nhiên, ông David Shayer tin rằng, CEO Tim Cook cùng đội ngũ lãnh đạo của Apple cũng nhận ra vấn đề đang dần nghiêm trọng, vốn ảnh hưởng to lớn đến hình ảnh của Táo Khuyết.
"Về lâu dài, tôi tin là những lãnh đạo của Apple thấy rõ vấn đề và đang tìm cách giải quyết. Ngoài việc sửa lỗi tốn kém, việc iOS gặp phải vấn đề nghiêm trọng cũng khiến hình ảnh của công ty bị ảnh hưởng", cựu kỹ sư của Apple kết luận.