Sáng 7/4, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý dự án luật, đại biểu Tạ Thị Yên (Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu) cho rằng, xác định giá đất theo sát giá thị trường là vấn đề khó và hết sức phức tạp, do yếu tố thị trường luôn biến động.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu)
Đề cập đến việc coi “giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực” là một trong những thông tin “đầu vào” để xác định giá đất, bà Yên cho rằng, khó có thể có thông tin đầu vào chính xác. Bởi thực tế, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành.
“Tôi đề nghị nên coi “kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất” cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất”, bà Yên nêu.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) quan tâm đến chênh lệch lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất sang đất ở, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu mỗi m2.
Theo đại biểu, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng. Điều đó trả lời cho câu hỏi hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản. “Việc sửa luật lần này có phân phối phần lợi tức, tức là địa tô đấy cho toàn dân hay không?”, ông Minh nêu.
Đại biểu đoàn Cà Mau cũng đề nghị cơ quan chức năng thống kê rõ trên cả nước hiện nay còn có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.
“Sửa Luật Đất đai lần này có giảm được đầu cơ, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?”, ông Minh nêu.
Phát biểu giải trình, tiếp thu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thông qua việc đấu giá, đấu thầu thì Nhà nước sẽ thu được phần chênh lệch địa tô.