Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) là một trong những công ty sản xuất, lắp ráp, xuất nhập khẩu, phân phối, bảo trì, sửa chữa ô tô hàng đầu tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này hiện đang hợp tác với các thương hiệu ô tô thương mại nổi tiếng như KIA, Mazda, Peugeot và mới đây là BMW và Fuso.
Doanh số bán xe năm 2017 giảm thảm hại
Hiện tại, Thaco đang chiếm 35.7% thị phần toàn thị trường ô tô Việt Nam (đứng vị trí số 1).
Thị phần ô tô của Thaco đa phần nằm ở 15,4% thuộc phân khúc xe tải (hợp tác với Kia Motors, Foton và Hyundai) và 10,2% nằm ở thương hiệu xe Mazda. Các dòng xe còn lại chiếm thị phần lần lượt là 8,8% Thaco-KIA, 1,2% Thaco-Bus và 0,1% đối với dòng xe Pháp - Peugeot.
Tuy nhiên, tính chung 11 tháng của năm 2017, doanh số bán xe của Thaco có khuynh hướng giảm rất mạnh. Cụ thể, tổng doanh số bán xe trong vòng 11 tháng của Thaco đạt 81.102 chiếc, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với dòng Mazda, tổng doanh số 11 tháng của năm 2017 đạt 23.153 chiếc, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dòng xe chủ lực của Mazda là Mazda đạt 9.755 chiếc, mẫu SUV CX-5 đạt 7.622 chiếc.
Thaco-KIA đạt 19.957 chiếc, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái (doanh số bán xe 2016 là 29.456).
Chỉ tính riêng tháng 11/2017, doanh số bán xe của KIA giảm tới 53% so với tháng 11/2016. Các dòng xe chủ lực của KIA đều giảm mạnh so với năm ngoái như KIA Morning đạt 9.391 chiếc trong 11 tháng, KIA Cerato đạt 4.788 chiếc.
Mặc dù chỉ chiếm 0,1% trong “miếng bánh” thị phần, dòng xe Peugeot cũng có mức giảm tới 56% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương với việc bán được 253 xe trong 11 tháng. Hai dòng xe tải và buýt cũng có mức giảm lần lượt là 8% và 15%.
Mặc dù vậy, theo báo cáo mới nhất của Thaco, hai dòng xe SUV Peugeot 5008 và 3008 đã nhận được 500 đơn hàng chỉ trong vòng 2 tuần được ra mắt, gấp đôi tổng doanh số của thương hiệu Pháp kinh doanh tại Việt Nam trong 11 tháng. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng của dòng xe sang châu Âu.
Nhìn chung, thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm 2017 đều có xu hướng đi xuống. Theo báo cáo của VAMA, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11/2017 giảm 10% so với cùng kì năm ngoái.
Một lý do khác khiến thị trường ô tô đi xuống là tâm lý chờ đợi giảm giá vào 1/1/2018 khiến doanh số bán xe bị thâm hụt nghiêm trọng.
Bất chấp các đợt giảm giá xe của Thaco, doanh số của Thaco vẫn sụt giảm thảm hại khiến cho doanh nghiệp mất cả "chì lẫn chài".
Xu hướng ''lạ'' của Thaco
Trong năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam nhắc tới nhiều về cuộc chiến giảm giá xe của các doanh nghiệp ô tô và người khơi mào cuộc chiến này là Thaco.
Khởi đầu bằng việc giảm giá xe vào cuối năm 2016, Thaco có rất nhiều chương trình giảm giá khác qua từng thái kéo dài cho tới hiện tại.
Tuy nhiên, trong buổi ra mắt mẫu xe Mazda3 vào tháng 5/2017, ông Bùi Kim Kha, Tổng Giám đốc Thaco PC đã chia sẻ: “Rất nhiều cơ quan báo chí đã hỏi tôi liệu Mazda có tiếp tục giảm giá xe nữa hay không? Tuy nhiên, hiện tại giá bán của Mazda đã gần như chạm đáy”.
Ông Kha nhấn mạnh, việc ô tô Mazda tiếp tục điều chỉnh giảm giá là không thể. Thức tế lại chứng minh điều ngược lại, cho tới tháng 12/2017, giá bán xe của Mazda hoặc KIA đều phập phồng lên - xuống như đồ thị hình sin.
Cụ thể, đầu tháng 11/2017, Thaco bất ngờ công bố giá bán lẻ 2 dòng xe Mazda và KIA theo chiều hướng tăng thêm 10 - 20 triệu đồng.
Đây được đánh giá là một hướng đi “lạ” trên thị trường, bởi lẽ, hầu hết các hãng xe đều giảm.
Trong đợt tăng lạ lùng của Thaco, các mẫu Mazda 6, Mazda CX-5 và mẫu BT-50 đã tăng giá 20 triệu đồng/xe và đạt mức 879 triệu đồng cho mỗi xe Mazda6 phiên bản 2.0 AT, 919 triệu đồng/xe cho bản 2.0 AT Premium, 1,019 tỉ đồng cho phiên bản 2.5 AT Premium.
Tương tự, mẫu Mazda CX-5 được điều chỉnh giá tăng lên thành 869 triệu đồng/xe phiên bản 2WD, 919 triệu đồng/xe phiên bản AWD.
Mẫu Mazda BT-50 được điều chỉnh lên mức giá 825 triệu đồng/xe phiên bản 3.2 AT, 670 triệu đồng/xe phiên bản 2.2 AT và 640 triệu đồng/xe phiên bản 2.2 MT.
Đồng thời, tất cả các phiên bản của mẫu Mazda 3 đều điều chỉnh tăng 10 triệu đồng, đạt mức giá từ 650 triệu đồng đến 770 triệu đồng/xe, tùy phiên bản.
Trả lời trên báo chí, ông Bùi Kim Kha - phó tổng giám đốc Trường Hải, động thái này nhằm đảm bảo lợi nhuận của công ty bởi từ những tháng trước, hãng đã phải "hi sinh" lợi nhuận để giảm giá trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
Ông cũng tiết lộ có thể Thaco sẽ tiến hành một số lần điều chỉnh giá tiếp theo trong thời gian tới.
Chỉ sau đó chưa đầy 10 ngày, giá xe Mazda và KIA bất thình lình lại giảm sau khi tăng vào đầu tháng và trở lại giá bán trước khi tăng (?!).
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, động thái giảm xong tăng, tăng xong giảm của Thaco xuất phát từ việc cạnh tranh từ đối thủ.
Trong khi Thaco tăng giá vào tháng 11, các đối thủ khác như Hyundai Thành Công, Toyota hay Mitsubishi đều giảm mạnh giá xe của cạnh tranh lẫn nhau.
Vì vậy, Thaco buộc phải giảm giá nếu không muốn mất thị phần vào đối thủ. Đây phải chăng là một đòn “gậy ông, đập lưng ông” của doanh nghiệp này?