Bức ảnh được chụp tại một cây xăng Nhật mới mở ở Hà Nội về hình ảnh người giám đốc đã đứng rất lâu dưới trời mưa, cúi người để mời và cảm ơn những khách hàng đã sử dụng dịch vụ cũng như sản phẩm rẻ và chính xác hơn của họ đã làm dậy sóng cộng đồng mạng Việt Nam hôm nay.
"Mình nghĩ, không ít người đã và sẽ còn sốc khi thấy hình ảnh này. Trong quan niệm của nhiều người, người ta chỉ cúi đầu khi cần phải xin lỗi hoặc cho thấy mình thấp kém hơn người đối diện. Nhưng với người Nhật, cái cúi đầu, một cử chỉ hàng ngày và rất quan trọng trong đời sống và văn hóa của họ, ngoài việc thể hiện sự xin lỗi, còn là một cách chào và cảm ơn", nhà báo Trương Anh Ngọc bình luận trên trang cá nhân của mình.
Với người Việt Nam, cử chỉ cúi đầu là một văn hóa khá xa lạ, nhưng với người Nhật, đó là một cử chỉ mang ý nghĩa văn minh. Trong kinh doanh, người Nhật đặt ra văn hóa cúi đầu kiểu hạ thấp phần thân trên xuống khoảng 20°, không quên kèm theo một lời cảm ơn hay câu chào bằng tiếng Nhật, tiếng địa phương hoặc ngôn ngữ thông dụng.
Xuất phát từ các cửa hàng truyền thống hay trong ngành thời trang, văn hóa cúi đầu dần trở nên phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp liên quan đến bán lẻ tại Nhật Bản, từ buôn bán ô tô tới khách sạn, nhà hàng, trạm xăng. Với các khách du lịch, hành động cúi chào ở trạm xăng trở thành hình ảnh quen thuộc ở đường phố Nhật Bản, nơi các nhân viên bán xăng sẽ đưa khách ra tận cổng, chỉ cho khách cách đi đứng an toàn và cúi đầu chào cho đến khi khách hàng đi khuất tầm mắt họ.
Ở Nhật, câu thành ngữ "Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu" được hiểu là muốn thành công và đến đích, bạn cần phải biết ơn và thể hiện sự tôn trọng.
Trên trang web của Idemitsu Kosan, công ty Nhật vừa mở trạm xăng ở Việt Nam, đơn vị này đưa ra nguyên tắc "tôn trọng con người" trong hoạt động kinh doanh, tập trung vào việc phát triển nhân viên thành những con người đáng tin cậy và được tôn trọng trong xã hội, giữ lời hứa tới khách hàng và làm mọi cách để xứng đáng với sự tin tưởng của từng người đã sử dụng dịch vụ và sản phẩm của công ty này.
Với Idemitsu, sự hài lòng tuyệt đối của khách hàng được xem là một giá trị mới đối với tập đoàn này, trên cơ sở đóng góp vào văn hóa cộng đồng và xã hội tại nơi kinh doanh.
"Hơn 106 năm kể từ khi Sazo Idemitsu thành lập Idemitsu, Triết lý quản lý của chúng tôi về "tôn trọng con người" vẫn không thay đổi. Với chính sách này, chúng tôi sẽ thực hành quản lý kinh doanh lấy khách hàng và nhân viên làm trung tâm với những nỗ lực không ngừng, để góp phần tạo dựng nên sự hòa hợp về văn hóa xã hội bên cạnh hiệu quả kinh doanh", thông điệp của CEO Takashi Tsukioka ghi rõ.