Đối với những người tiêu dùng, các thành phố như Tokyo, London hay New York thường được nhắc tới như những địa điểm đắt nhất thế giới bởi chi phí quá đắt đỏ cho mọi thứ.
Tuy nhiên trên thực tế, bán đảo Scandinavia mới là khu vực được đa số người Phương Tây thừa nhận là nơi đắt đỏ nhất thế giới.
Tại Scandinavia, từ một chiếc bánh cho đến những cái áo cổ lọ đều có giá đắt hơn hẳn so với các quốc gia Phương Tây khác và chúng có nguyên nhân.
Thuế cao, chất lượng sống tốt
Scandinavia là một khu vực tại Bắc Âu bao gồm 3 nước: Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Khu vực này kế thừa văn hóa của người Viking nhưng cũng nổi tiếng vì giá cả đắt đỏ.
Các sản phẩm tivi, ô tô hay bất kỳ loại hàng hóa nào thì người tiêu dùng cũng phải trả mức giá cao nhất thế giới.
Không những thế, các mặt hàng nhu yếu phẩm như đồ uống, thực phẩm tại thị trường này cũng đắt hơn so với mặt bằng chung của Châu Âu. Nếu tới quầy bar, một cốc bia tại đây sẽ đắt gấp 2,5 lần so với mặt bằng chung Châu Âu.
Cả Na Uy và Thụy Điển đều giữ độc quyền về rượu cũng như một số mặt hàng khác, khiến giá các sản phẩm cứ ngày một đi lên.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc áp thuế VAT 25% tại cả 3 nước.
Thuế thu nhập cá nhân tại Thụy Điển cao tới hơn 60%, Đan Mạch là hơn 55% và đều cao hơn rất nhiều mức bình quân 40% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Ví dụ ở Đan Mạch bạn muốn mua một chiếc ô tô, bạn sẽ phải trả 85-150% tiền thuế cho chiếc xe dù chúng được sản xuất trong nước.
Một ví dụ khác, nếu mua một chiếc áo len tại Đan Mạch với giá 300 Kronor (37 USD), người bán hàng sẽ phải trừ 25% thuế VAT, 22% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền lương (payroll tax) cùng nhiều chi phí khác.
Thậm chí những chi phí tiền điện, nước… cũng bị đánh thuế. Như vậy phần lớn số tiền người tiêu dùng chi trả sẽ vào ngân sách nhà nước chứ doanh nghiệp không được hưởng lợi bao nhiêu.
Lý do cho khoản thuế trên trời này là chi tiêu công của chính phủ cực lớn với tỷ lệ chi tiêu công trên tổng GDP thuộc hàng cao trên toàn cầu. Phần lớn số tiền này được đầu tư cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội cũng như hàng loạt các khoản trợ cấp khác.
Mô hình kinh tế của Scandinavia khác với kiểu kinh tế thị trường tự do của Mỹ khi nhà nước can thiệp sâu.
Lợi ích của động thái này là người dân được hưởng một chất lượng sống tốt khi y tế, giáo dục hầu như được miễn phí. Cơ sở vật chất hạ tầng được đảm bảo dù điều kiện thời tiết, môi trường khó khăn.
Trong 5 năm qua các nước Scandinavia thường nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất. Chế độ phúc lợi lớn, đảm bảo an ninh tài chính, công việc và lợi ích kinh tế khiến người dân chấp nhận nộp khoản thuế khổng lồ cùng mức giá đắt đỏ.
Bên cạnh đó, chất lượng sống tốt khiến bán đảo Scandinavia gây dựng được một nền dân chủ ổn định, tính gắn kết xã hội cao và chính sự ổn định này đã thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.
Thêm vào đó, lợi thế về vị trí địa lý khiến các mặt hàng sản xuất tại đây có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Châu Âu, tạo nên sức hút cho các nhà sản xuất. Đây là lý do khiến nền kinh tế bán đảo Scandinavia khá ổn định còn đồng tiền của 3 nước trong khu vực khá mạnh.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc có ít cư dân khiến các cửa hàng buộc phải nâng giá bán nếu muốn giữ lợi nhuận khi thị trường không lớn.
Đời không như mơ
Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình "bao cấp" này là các doanh nghiệp không chịu đựng được chi phí quá cao.
Ví dụ như hãng nội thất lớn nhất thế giới IKEA được thành lập tại Thụy Điển đã phải chuyển trụ sở sang Hà Lan. Hiện IKEA đang thuộc công ty mẹ tại Hà Lan nhằm tránh mức thuế quá cao tại Thụy Điển.
Mặc dù khoản thuế cao khiến các doanh nghiệp phải nâng mức giá bán, nhưng giá cả đi lên đồng nghĩa các công ty phải nâng lương cho nhân viên.
Hệ quả là chi phí lao động, bán hàng, phân phối… đều tăng và khiến những doanh nghiệp cần tiêu tốn nhiều lao động, nhà xưởng… phải dịch chuyển sang những địa điểm khác.
Hơn nữa, mức chi phí quá cao cùng tỷ giá đồng tiền đắt khiến ngành du lịch tại đây gặp nhiều khó khăn. Khách du lịch không có nhiều ưu đãi và phần lớn chỉ những người giàu có mới hướng đến cuộc sống trải nghiệm tại thị trường này.
Ngoài ra, phúc lợi lớn và đắt tiền không có nghĩa là tốt nhất. Ví dụ Na Uy là nước Scandinavia duy nhất xếp trong top 10 bảng xếp hạng giáo dục người trưởng thành của OECD.
Điều này cho thấy giáo dục miễn phí không kích thích được tiềm năng ham học hỏi của người dân.
Nói chính xác hơn, sự hài lòng về cuộc sống, chế độ phúc lợi tốt khiến bộ phận rất lớn người Scandinavia bị trì trệ, hưởng thụ cuộc sống hiện tại. Suy cho cùng, họ được đánh giá là môi trường sống hàng top thế giới, vậy tại sao còn cần phải cố gắng?
Tệ hơn, các nước Scandinavia cũng có người nghèo. Ví dụ Na Uy là một trong những nước Bắc Âu nổi tiếng khi có tỷ lệ GDP bình quân đầu người đứng hàng top thế giới.
Năm 2017, mức GDP bình quân đầu người 61.197 USD của nước này đã giúp Na Uy đứng hàng thứ 8 trong số các quốc gia giàu nhất thế giới.
Dẫu vậy, ít ai ngờ được rằng đất nước giàu có với 4,5 triệu dân này lại vẫn còn tình trạng nghèo đói. Tại thủ đô Oslo, khoảng 8,3% dân cư nơi đây nằm trong tình trạng đói nghèo.
Phần lớn những người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội nơi đây là người nhập cư hoặc những gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân với trẻ nhỏ, những người thất nghiệp.
Năm 2014, số liệu chính thức cho thấy có khoảng 78.000 trẻ em tại Na Uy sống trong cảnh đói nghèo, khoảng 3,4% tổng số trẻ em toàn quốc sống trong tình trạng cận đói nghèo.
Tính đến tháng 2/2017, khoảng 98.000 trẻ em tại Na Uy đang phải sống trong những gia đình có thu nhập thấp, cao hơn 31.000 trẻ so với năm 2006.
Số liệu của Cục thống kê Na Uy (SSB) cho thấy dù hơn 50% trong số đó là những trẻ nhập cư nhưng tỷ lệ trẻ cư dân sống trong gia đình thu nhập thấp tại đây đang ngày một tăng lên.
Mặc dù nằm trong top những nước giàu nhất thế giới nhưng cuộc sống tại Na Uy bị đánh giá là còn "nông thôn" so với nhiều nước Phương Tây.
Tại quốc gia này, chỉ khoảng 50% số dân sống tại các thị trấn, thành phố có dân số 8.000 người trở lên.
Thêm vào đó, chất lượng cuộc sống cũng là điều đáng bàn khi nhiều vùng nông thôn tại đây gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Báo cáo của CIA World Factbook cho thấy khoảng 40% số trẻ em nhập cư tại Na Uy đang phải sống trong cảnh nghèo khổ. Tỷ lệ này còn tiếp tục tăng lên trước làn sóng nhập cư vào Châu Âu trong thời gian qua.
Ngoài ra, số liệu của Viện Frish tại thủ đô Oslo cho thấy động thái giảm thuế 5% đối với giới nhà giàu tại Na Uy đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội nơi đây.
Những người cao tuổi nhận được nhiều trợ cấp hơn trong khi đóng góp ít hơn cho xã hội, còn giới trẻ phải làm việc nhiều nhưng lợi ích của họ không bằng được những người có tuổi thành đạt.
Đối với những người sinh sống tại Na Uy, hình ảnh người vô gia cư không phải là lạ khi giá nhà tại quốc gia này ngày một tăng cao do kinh tế bùng nổ, thúc đẩy thị trường bất động sản cùng với lượng lớn người di cư tràn vào.
Thậm chí chính phủ Na Uy đã phải ban bố luật cấm ăn xin hay giải quyết những người sống lang thang ở các thành phố lớn.
Tương tự, Đan Mạch là quốc gia luôn đứng đầu trong các cuộc khảo sát về chỉ số hạnh phúc con người, có sự gắn kết xã hội cao.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ họ cũng đồng thời là nước tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Iceland.
Theo OECD, chính việc người dân làm ít giờ trong ngày hơn hầu hết các nước trên thế giới đã khiến cho nền sản xuất nơi đây hết sức ảm đạm.
Không như nhiều người tưởng tượng, Đan Mạch có mức nợ tiêu dùng cá nhân cao nhất trên thế giới (gấp bốn lần Italy), trong khi hơn một nửa trong số người được hỏi thừa nhận, họ phải đi vay nợ hoặc vay từ "tín dụng đen" để đảm bảo cho nhu cầu hàng hóa, dịch vụ hàng ngày.
Thế nhưng, hiểu lầm lớn nhất về quốc gia này có lẽ là vấn đề bảo vệ hệ sinh thái. Theo báo cáo năm 2012 của Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu, họ có diện tích sinh thái trên đầu người cao thứ tư trên thế giới, hơn cả Mỹ.
Những cối xay gió ngoài khơi có thể khiến bạn rất ấn tượng về một quốc gia sử dụng năng lượng sạch, nhưng thực tế Đan Mạch tiêu thụ lượng than đá đến mức "khủng khiếp".
Mặc dù mang tiếng có dịch vụ công tốt nhưng chương trình đánh giá sinh viên quốc tế của OECD (PISA) lại nhận định các trường học ở Đan Mạch đang tụt hậu so với ở Anh.
Dịch vụ, chăm sóc sức khỏe của họ cũng đang quá tải. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, người Đan Mạch đang có tỷ lệ ung thư cao nhất trên hành tinh.
Nghiêm trọng hơn cả, bình đẳng kinh tế - mà nhiều người tin rằng là nền tảng của sự thành công xã hội - đang giảm dần.
Theo một báo cáo của Politiken năm 2014, tỷ lệ người dưới chuẩn nghèo đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Đan Mạch đang trở thành một quốc gia bị phân hóa giàu nghèo khá lớn.
Ngoài Thủ đô Copenhagen, các tỉnh khác đang trở thành vùng đất tràn ngập người nhập cư, người già, người thất nghiệp.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan tăng cao cùng với công tác an ninh ngày một lơ là cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Vậy còn Thụy Điển thì sao? Chế độ phúc lợi quá tốt đang tạo ra sự cô độc và vô cảm trong xã hội. Mọi người không kết bạn với nhau và không cần nhiều bạn bè vì đa số mọi người mong đợi Chính phủ sẽ lo cho họ khi họ cần giúp đỡ.
Thậm chí phụ huynh sẽ nói với những đứa con trưởng thành của mình rằng hãy yêu cầu lên Chính phủ nếu như không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà.
Rất nhiều người Thụy Điển nghĩ rằng vì bạn không giúp đỡ họ, họ cũng chẳng thấy bất cứ lí do nào để giúp lại bạn.
Một hệ quả nữa của phúc lợi tốt là hầu hết người Thụy Điển hẹn hò qua mạng chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tìm niềm vui thú trong giây lát.
Đây là một trong những lý do người Thụy Điển đam mê tập gym và có một cơ thể thật tuyệt vời bởi nếu không, họ sẽ mắc kẹt trong những căn chung cư chật chội và hiu quạnh.