Vì sao Đức quyết không chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine?

Bằng Hưng |

Đức cương quyết từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine trong lúc Anh, Mỹ công bố chuyển giao các loại vũ khí mới nhất của họ cho Kiev.

"Đức sẽ không thay đổi quan điểm về việc cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev" – tờ Telegraph dẫn phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở Berlin vào ngày 24-4.

Thủ tướng Scholz lý giải rằng cho tới nay Berlin đã chi 30 tỉ USD để hỗ trợ Kiev các hệ thống phòng không, xe tăng và đạn dược. Tuy nhiên, Đức lo ngại tên lửa hành trình Taurus có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Moscow. 

"Để đảm bảo hệ thống tên lửa Taurus được sử dụng một cách có trách nhiệm, các binh sĩ Đức phải có mặt ở Ukraine. Điều này sẽ đánh dấu bước leo thang rất lớn trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine" – nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Thủ tướng Đức Scholz  từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Ảnh: Euro News

Thủ tướng Đức Scholz từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Ảnh: Euro News

Việc lãnh đạo Đức từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Anh đều gửi các loại vũ khí mới nhất của họ cho Kiev.

Washington hôm 24-4 cho biết theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden, họ đã chuyển giao cho Kiev các Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa để sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.

Cùng ngày 24-4, giới chức Anh xác nhận London đã chuyển bom dẫn đường bằng laser Paveway IV cho Ukraine.

Xác nhận từ phía Anh, Mỹ diễn ra gần như đồng thời với sự kiện Tổng thống Biden ký ban hành luật cung cấp viện trợ mới trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine.

Thủ tướng Scholz mô tả động thái từ phía Mỹ là "một tín hiệu đáng khích lệ và cần thiết".

Taurus là tên lửa hành trình phóng từ trên không do công ty liên doanh Đức -Thụy Điển Taurus Systems GmbH sản xuất. Tên lửa này hiện được sử dụng trong quân đội của Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.

Tên lửa Taurus có trọng lượng khoảng 1.400 kg, mang đầu đạn nặng 480 kg, tầm bắn 500 km.

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Ảnh: Rferl

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Ảnh: Rferl

Mặc dù từ chối cung cấp vũ khí này nhưng Thủ tướng Scholz vẫn kêu gọi châu Âu tăng cường giúp đỡ Ukraine.

Thủ tướng Sunak tại Berlin tuyên bố Anh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào cuối thập kỷ này.

Anh và Đức là những quốc gia châu Âu cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột cuối tháng 2-2022. Cả lãnh đạo 2 nước đều tuyên bố sẽ duy trì điều viện trợ Ukraine "miễn là cần thiết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại