Tàu hàng liên hệ Nga-Triều Tiên neo đậu ở Trung Quốc
Báo cáo độc quyền của Reuters cho hay, tàu hàng Nga Angara - bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 5/2022 và bị cáo buộc tham gia vận chuyển vũ khí từ Triều Tiên đến Nga - được phát hiện neo đậu tại một xưởng đóng tàu ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, theo các hình ảnh vệ tinh mà Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) thu thập được.
RUSI đã thu được hình ảnh trong những tháng gần đây từ các công ty như Planet Labs PBC, trong đó có ảnh vệ tinh thể hiện tàu Angara neo đậu tại xưởng đóng tàu Zhoushan Xinya thuộc tỉnh Chiết Giang. Website của đơn vị này cho biết họ là công ty sửa chữa tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Reuters bình luận, tình hình này đã bộc lộ những thách thức mà Mỹ và các đồng minh đang đối mặt trong việc cắt đứt sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế từ Trung Quốc đối với Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo RUSI, con tàu đã thực hiện ít nhất 11 chuyến hàng giữa cảng Rajin của Triều Tiên và các cảng của Nga kể từ tháng 8/2023, gồm hàng ngàn container được cho là chứa đạn dược từ quốc gia Đông Bắc Á. Việc neo đậu của chiếc Angara tại cảng Trung Quốc cũng khiến Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc tạo điều kiện cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Vào sáng nay 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó nói ông Blinken "sẽ nêu ra một loạt mối lo ngại, bao gồm cuộc chiến của Nga chống Ukraine và mối liên hệ Nga-Triều Tiên".
Hồi tuần trước, ông Blinken chỉ trích rằng Bắc Kinh hiện là nhà bảo trợ chính cho chiến dịch của Nga thông qua việc cung ứng các thành phần quan trọng để chế tạo vũ khí.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ chiến dịch của Nga
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận sự hiện diện của tàu Angara tại một cảng Trung Quốc và đã đề cập vấn đề này với nhà chức trách bản địa, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tuân thủ Nghị quyết 2397, nhằm hạn chế giao thương với Triều Tiên và yêu cầu hủy đăng ký bất kỳ phương tiện nào liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết họ không nắm rõ chi tiết vụ việc liên quan đến tàu Angara, nhưng Trung Quốc "luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và 'quyền lực nối dài' không có cơ sở trong luật quốc tế hoặc ủy nhiệm từ Hội đồng Bảo an".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định họ không có thông tin về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu Joseph Byrne tại RUSI cho rằng giới chức Trung Quốc nên nhận thức được sự hiện diện của tàu Angara tại xưởng đóng tàu của họ. Ông cảnh báo rằng nếu Trung Quốc cho phép tàu Angara rời cảng mà không kiểm tra và đã được sửa chữa, điều đó đồng nghĩa Trung Quốc có thể cũng không hành động gì đối với những tàu Nga như vậy.
Trong bối cảnh này, Washington đã lặp lại yêu cầu của mình đối với Bắc Kinh về việc không hỗ trợ cho chiến dịch của Nga ở Ukraine. Moscow phát động chiến dịch quân sự vào 2/2022, chỉ vài tuần sau khi Nga và Trung Quốc thông báo về một "quan hệ đối tác không giới hạn".
Cả Nga và Triều Tiên nhiều lần bác bỏ các cáo buộc liên quan việc việc chuyển giao vũ khí. Moscow tuyên bố sẽ phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia nào họ muốn và mối hợp tác với Bình Nhưỡng không vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell tuyên bố tại một sự kiện ở Washington rằng sự hợp tác gia tăng giữa Trung Quốc và Triều Tiên với Nga là "đối nghịch" với lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.