Vì sao doanh nhân nữ bị thanh tra doanh nghiệp nhiều hơn?

Nguyên Vũ |

Đáng chú ý là lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp nữ cao hơn các doanh nghiệp nam...

Doanh nghiệp có chủ là nữ hay bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, phải chăng là họ có nhiều vi phạm hơn hay dễ bị “bắt nạt” hơn?

Câu hỏi này được nêu tại hội thảo thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam, tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sáng 13/1.

Lần đầu tiên tổ chức hội thảo chuyên đề về giới, song khác với các hội thảo khác, vị “chủ nhà” CIEM không có báo cáo đề dẫn. Lý do, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, là muốn nghe các diễn giả trình bày để học hỏi khía cạnh giới trong xây dựng chính sách nói chung và tái cơ cấu nền kinh tế nói riêng.

Đăng đàn tại hội thảo có cả diễn giả “ngoại” và nội.

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ (WEE) - bài học quốc tế và hàm ý với đối với Việt Nam - là nội dung trình bày của ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp của dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV).

Khái quát những khoảng cách về giới trên toàn cầu, vị cố vấn nói thị trường lao động vẫn bị phân tán chia theo giới. Phân biệt đối xử trong thị trường lao động đã hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ trong các công việc được trả lương.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ vẫn thấp hơn so với nam giới tại phần lớn các quốc gia trên thế giới. Đại diện của phụ nữ trong các doanh nghiệp và các vị trí quản lý cao cấp vẫn ở mức thấp. Phụ nữ cũng nhận một mức lương thấp hơn đáng kể so với nam giới.

Ông Raymond Mallon còn chỉ ra rằng phụ nữ vẫn tham gia vào phần lớn những công việc không được trả lương, chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức và nằm trong nhóm người nghèo.

Thông tin từ các diễn giả “nội” khi nghiên cứu các tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng cho thấy nhiều điểm đáng chú ý.

Chẳng hạn, so với doanh nghiệp có chủ không phải là nữ thì doanh nghiệp nữ có kết quả hoạt động không khác nhau nhiều lắm nhưng lại hay bị thanh tra kiểm tra hơn. Một vài giả thiết được đưa ra, như liệu có phải họ dễ “bắt nạt” hơn không, còn câu trả lời chắc chắn không được đề cập.

Số liệu từ khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và khảo sát doanh nghiệp vừa và nhỏ (DANIDA) đều khẳng định xu hướng ở quy mô dưới 10 lao động, các doanh nghiệp có chủ là nữ sở hữu vốn, đất đai và thuê lao động như các doanh nghiệp có chủ là nam, nhưng sử dụng nhiều lao động nữ hơn các doanh nghiệp nam.

Mặc dù ngân hàng luôn khẳng định không có bất cứ bất bình đẳng nào trong tiếp cận vốn, doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tiếp cận tốt, nhưng thực tế thì không hẳn như thế.

Hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự bố trí nguồn tài chính tự có hoặc từ người thân cho khởi nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp nữ gặp khó khăn trong vay vốn có xu hướng tăng trong khi các doanh nghiệp nam có xu hướng giảm, một diễn giả cho biết.

Đáng chú ý, số liệu của 2015 cho thấy tỷ lệ phụ nữ phải trả các chi phí chính thức cao hơn nam với mức bình quân 10 triệu đồng (2014 là 9,5 triệu).

Về hiệu quả, theo số liệu từ DANIDA, thì lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp nữ cao hơn các doanh nghiệp nam.

Đặt vấn đề tại sao cần phải trao thêm quyền kinh tế cho phụ nữ, đại diện Hội đồng Doanh nhân nữ lý giải, về góc độ thị trường, phụ nữ ảnh hưởng 70-80% các quyết định mua sắm và tiêu dùng cho gia đình.

Con số đáng chú ý nữa là 90% giám đốc phụ trách sáng tạo ở 100 công ty hàng đầu về quảng cáo là nữ giới.

Về góc độ quản lý doanh nghiệp, vị này cho rằng tạo cơ hội cho phụ nữ được đào tạo và thăng tiến trong doanh nghiệp sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả...

Còn ở góc độ xã hội, đầu tư và hỗ trợ phụ nữ sẽ giúp xoá đói giảm nghèo và góp phần vào sự bền vững của xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại