Dự báo tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các sân bay đến năm 2030 khoảng 278 triệu hành khách/năm.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều đề xuất để hoàn thiện mạng lưới hàng không trong thời gian tới và lý do bác đề xuất xây sân bay của một số địa phương.
Tập trung vốn để hình thành đầy đủ 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, cả nước hiện có 22 sân bay đang khai thác. Trong đó, trừ sân bay Phú Quốc, Vân Đồn thì hầu hết các sân bay đều có nguồn gốc là sân bay quân sự, được đưa vào khai thác dùng chung hàng không dân dụng và quân sự.
Tính đến nay có 6 sân bay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Nội Bài, Cát Bi, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Cần Thơ.
Theo kịch bản tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% - 7%/năm giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT dự báo tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các sân bay đến năm 2030 khoảng 278 triệu hành khách/năm, hàng hóa là 4,1 triệu tấn/năm.
Đến năm 2050, sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 490,7 triệu hành khách/năm, hàng hóa khoảng 16 triệu tấn/năm.
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch 28 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 14 sân bay quốc nội.
Như vậy, ngoài các sân bay hiện có sẽ đầu tư thêm 6 sân bay gồm Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị và Phan Thiết (Bình Thuận).
Ngoài ra, giai đoạn này, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý... quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Với quy hoạch trên, Bộ GTVT cho biết, nhu cầu vốn khoảng 401.106 tỷ đồng để hiện thực hóa giai đoạn này.
Trong khi đó giai đoạn đến năm 2050, Bộ GTVT đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29. Số vốn để đầu tư và nâng cấp các sân bay giai đoạn này dự kiến khoảng 596.352 tỷ đồng.
Việc đề xuất trên cũng là nhằm củng cố quan điểm quy hoạch: “Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành đầy đủ 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối và trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu tư hoàn thành các cảng hàng không có nhu cầu lớn tại các trung tâm kinh tế vùng, phù hợp với nhu cầu vận tải.
Tiếp tục quan tâm đầu tư và phát triển các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo để phát triển kinh tế cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Nhiều tỉnh đề nghị xây sân bay nhưng tư vấn đánh giá không cao
Theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng quy hoạch sân bay, đơn vị nhận được đề nghị của 11 tỉnh về bổ sung sân bay cho địa phương mình gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận. T
uy nhiên để xác định và quy hoạch điều chỉnh hoặc bổ sung các sân bay trong mạng cảng hàng không toàn quốc, Tư vấn ADPi (Pháp) đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở dự báo nhu cầu vận tải của 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và các phương pháp khoa học...
Theo đó, tư vấn đề xuất 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới gồm: Nhu cầu sản lượng, kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược), khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai), cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận)…
Trên cơ sở đó, tư vấn đã rà soát kỹ lưỡng lại kết quả và đối chiếu với các tiêu chí đánh giá. Theo đó tại 11 tỉnh có ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới thì điểm đánh giá không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất cả nước.
Vì vậy, tư vấn đề nghị không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương.
Ngoài ra, theo nội dung hồ sơ quy hoạch do Tư vấn ADPi (Pháp) nghiên cứu, có thể mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài đáp ứng công suất tối đa khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Trong khi đó, dự báo đến năm 2050, tổng sản lượng hành khách thông qua cảng này đạt khoảng 107,2 triệu hành khách.
Vì vậy cần nghiên cứu sân bay thứ hai vùng Thủ đô để đảm bảo đưa vào khai thác ngay trong giai đoạn đến năm 2050 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.
Tại Quyết định 640/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng với vai trò là sân bay dự bị cho Nội Bài.
Do vậy, trước mắt tư vấn kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch sân bay Hải Phòng nhằm mục đích dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi. Dự kiến sau năm 2040 sẽ tiếp tục nghiên cứu để lập quy hoạch này cho phù hợp với nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng Thủ đô…
Một số chuyên gia cho rằng, cả nước hiện có 23 sân bay nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ.
Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân vì đầu tư xây dựng một sân bay cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nhiều địa phương đều cách sân bay hiện tại không quá xa. Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư từ vốn đầu tư công hay xã hội hóa, nếu không hiệu quả đều gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Phát triển trung tâm đào tạo huấn luyện bay tại 3 cảng hàng không không gần khu vực biên giới
Theo dự thảo quy hoạch, tới đây, việc bố trí các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay có quy mô phù hợp với nhu cầu đào tạo trong nước cũng như khu vực tại các cảng hàng không có lượng cất hạ cánh không lớn và có các điều kiện thuận lợi về yếu tố địa hình, thời tiết cho bay, không gần khu vực biên giới (dưới 50km).
Quy hoạch phát triển trung tâm đào tạo và huấn luyện bay tại các cảng hàng không gồm: Chu Lai, Cà Mau, Rạch Giá.