Được biết trong số khoảng 1.000 người tham gia cuộc khảo sát, có đến 66% số người cho biết họ muốn đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 được xây dựng “để đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên cho nước Đức không bị gián đoạn”.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án mà tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga phối hợp thực hiện với các tập đoàn Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Shell và Uniper, Wintershall của Đức, với mục tiêu nhằm xây dựng đường ống có thể cung cấp 55 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm cho Liên minh châu Âu thông qua Đức.
Chỉ có 23% số người bày tỏ quan điểm phản đối với dự án này do họ cho rằng nó có thể khiến Đức trở nên ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.
Là một đường ống mở rộng của đường ống Dòng chảy Phương Bắc, Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ có chiều dài 1.200 km và sẽ chạy qua hải phận các nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Dự kiến Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Một số quốc gia quan ngại sẽ mất nguồn lợi khi đường ống dẫn khí đốt không chạy qua lãnh thổ của mình, cụ thể là Ukraine, đã lên tiếng phản đối Dòng chảy Phương Bắc 2.
Dự án này cũng vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ, khi nước này có dự định xuất khẩu khí đốt cho Châu Âu.
Washington mới đây đã nhiều lần cảnh báo các nước châu Âu không được tham gia vào Dòng chảy Phương Bắc 2, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty châu Âu tham gia vào dự án này. Theo Mỹ, Dòng chảy Phương Bắc 2 vi phạm đến quyền lợi an toàn của châu Âu và cản trở lợi ích của Ukraine.
Đức, Thụy Điển và Phần Lan đã đồng ý cho phép đường ống được xây dựng trên vùng hải phận của mình, trong khi Đan Mạch vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Nga đã nhiều lần kêu gọi các đối tác châu Âu không nên coi Dòng chảy Phương Bắc là một công cụ tác động của Nga. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự án này hoàn toàn phục vụ cho mục đích kinh tế.