Unfriend một người có lẽ là điều ai cũng từng làm khi sử dụng Facebook. Dù vậy, phải thừa nhận rằng kể cả khi không thân thiết và thích chơi cùng người kia, chúng ta ít nhiều cũng có một cảm giác khó chịu, có phần "tội lỗi" khi hủy kết bạn. Hoặc đơn giản như khi muốn lọc Friendlist thôi, không phải ai cũng dám thẳng tay "thanh trừng" một loạt bạn bè của mình. Tại sao lại như vậy?
Ý kiến tổng hợp từ lời giải thích của 4 chuyên gia tâm lý học, xã hội học sau đây sẽ phần nào tháo gỡ được thắc mắc này của rất nhiều người.
Vì sao lại có cảm giác tội lỗi khi unfriend người khác?
"Suy nghĩ và cảm giác khó hiểu này xuất hiện vì chúng ta cho rằng mình vừa vi phạm một thứ gì đó, nhất là khi họ hoàn toàn có thể quyết định không để chuyện này xảy ra nhưng cuối cùng vẫn cứ làm," chia sẻ bởi Michael Andreychik, giáo sư tâm lý học ở Đại học Fairfield.
Nhấn nút "Hủy kết bạn" có thực sự khó khăn đến thế?
Ông cũng lý giải luôn rằng: Dù chúng ta đều biết rằng làm vậy là không sai vì có thể cả 2 bạn không thân thiết với nhau, chỉ đơn giản là biết tên, "ét nick" rồi để đấy. Thế nhưng, cái danh xưng ảo "Friends" mà Facebook đặt ra đã ăn quá sâu vào suy nghĩ, khiến chúng ta có cảm giác 2 người từng là bạn thật và không muốn phá vỡ nó, quên mất rằng thực ra điều duy nhất mình từng làm chỉ là ấn "Chấp nhận lời mời kết bạn."
"Chúng ta quên mất rằng Facebook chỉ là thế giới ảo, không phải cuộc sống ngoài đời thật hằng ngày," giáo sư Evelyn Bilias Lolis tiếp lời. "Vì thế, nhiều người đã không nhận ra cái ranh giới thật-ảo đó."
Thân hay không, "Friends" trên Facebook cũng là "bạn" trên danh nghĩa
Hầu như chúng ta đều không thể đảm bảo chắc chắn rằng mọi "friends" trên Facebook đều là người chúng ta từng hoặc đang gặp và tiếp xúc cùng ngoài đời thật. Nói cách khác, mối liên hệ này rất mỏng manh, phương tiện duy nhất để tương tác với nhau chỉ là qua đường dây Internet và những cái Like.
Add Friend thì dễ, nhưng Unfriend thì lại không hẳn là như vậy.
Dù vậy, giáo sư xã hội học Dustin Kidd ở Đại học Temple lại cho rằng dù chỉ là "bạn xã giao" trên mạng với mối liên kết mỏng manh đi nữa, chúng ta vẫn luôn có cảm giác nó hiện hữu như một sợi dây có sẵn, chứ không vô hình như nhiều người tưởng.
"Con người thường có nhu cầu được quan tâm và kết nối nhiều hơn." Kidd cho biết. "Và khi những sợi dây kết nối đó mất đi, cảm giác bị cô lập sẽ nổi lên, tưởng như bị hụt một phần kết nối với cộng đồng chung." Cuối cùng, Kidd chỉ ra rằng thực chất trong thâm tâm, mỗi người đều nghĩ và lo sợ đến tình huống unfriend xong thì bị người kia phát hiện, thậm chí có thể bị hỏi ngược rằng tại sao lại làm vậy.
Không sợ thứ gì, chỉ sợ bản thân bị nghĩ xấu
Jaclyn Moloney - một chuyên gia tâm lý học tại Đại học William & Mary - từng là tác giả của một nghiên cứu về tính chất mối quan hệ giữa con người. Bà cho rằng nỗi ngại ngùng lớn nhất gây tác động ở đây là việc sợ bản thân bị nghĩ xấu khi unfriend người khác.
"Mỗi chúng ta đều tự tạo cho mình một hình tượng trong mắt người khác ở bên ngoài, và điều đó càng rõ hơn trên mạng xã hội. Ai cũng có một hình ảnh riêng, trang cá nhân riêng để thể hiện bản thân, và chúng thường mang tính chất tốt đẹp khi người khác nhìn vào."
Bức tường áp lực mang tên "Unfriend" đang khiến nhiều người băn khoăn suy nghĩ.
"Ngoài đời thực, kể cả khi một ai đó không thân nhưng nếu không có vấn đề gì, hiếm khi có ai lại từ chối làm quen. Và mạng xã hội cũng vậy, chúng ta không thấy dễ chịu lắm khi "khước từ" một mối quan hệ trong khi chẳng có vấn đề gì xấu xảy ra," Moloney nhấn mạnh. "Nhất là khi người đó có quen biết trước với mình nữa thì cảm giác này còn rõ hơn."
Vậy làm thế nào để thoát khỏi cảm giác đó?
- Tự dặn mình rằng "Tôn trọng bản thân mới là quan trọng nhất": Hãy tự nhìn lại từng "friend" trên Facebook xem họ có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình hay không, nhưng gì họ đăng có đang giúp ích...? Nếu tất cả câu trả lời là "không", đừng ngại ngùng hay phân vân gì khi đưa ra quyết định Unfriend.
- Xu hướng dùng mạng xã hội đang dần thay đổi: Cách người dùng tương tác với Facebook luôn thay đổi qua thời gian. Trước kia, chúng ta luôn hứng thú với cả việc kết bạn "xã giao" với nhiều người, nhưng nay ưu tiên thực sự lại được dành cho những người thân và bạn bè gần gũi là hơn.
Không có gì sai khi quan tâm đến giới hạn riêng tư cá nhân cả, nên cũng không có gì phải ngại khi unfriend người lạ, xã giao.
- "Họ chẳng quan tâm mình có là người unfriend hay không đâu!": Thật đấy, gần như chẳng có ai thực sự quan tâm rồi ngồi lần ra bạn là người unfriend họ.
Chỉ có chính bản thân bạn mới tự nghĩ nhiều và làm khổ tâm trí mình như thế. Đây là ảnh hưởng của "hiệu ứng tâm điểm" trong xã hội, khi ai cũng nghĩ rằng mọi thứ mình làm đang bị dõi theo bởi những người xung quanh.