Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro 'ngàn cân treo sợi tóc'?

Kim Linh |

Những người thành công thường có xu hướng cho rằng họ sẽ thành công trong mọi lĩnh vực. Vậy nên họ mong muốn chinh phục những giới hạn mới bất chấp nguy hiểm và số tiền khổng lồ cần bỏ ra.

Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro ngàn cân treo sợi tóc? - Ảnh 1.

Vụ tàu lặn chở 5 du khách mất tích trong hành trình khám phá xác tàu Titanic đang là tâm điểm sự chú ý trong những ngày qua. Hình thức thám hiểm như du hành vũ trụ, leo núi Everest hay lặn xuống mực nước sâu cả nghìn km... có thể tiêu tốn chi phí lên tới 47 triệu USD (tương đương 1.104 tỷ đồng) cùng những rủi ro khó tránh. Thế nhưng vì sao vẫn có nhiều du khách giàu có sẵn sàng “rút hầu bao”?

Cảm giác thoả mãn sự tò mò và đạt được thành tựu “hơn người”

Theo Benedict Allen, nhà văn và cũng là nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh, mỗi khi bắt đầu chuyến đi đến một vùng đất xa lạ trên hành tinh, bạn sẽ luôn ý thức rõ ràng về những rủi ro có thể ập tới, thậm chí là cái chết của bản thân. Nhưng cá nhân Allen luôn có cảm giác đạt được thành tựu phi thường sau những chuyến đi đầy thử thách đó, vượt qua rừng rậm hoặc đặt chân lên Bắc Cực.

“Nhờ những chuyến đi mà tôi có những trải nghiệm đặc biệt, thậm chí là ‘độc nhất vô nhị’ và đó là lý do tôi tiếp tục thám hiểm”, Allen viết, “Con người luôn có sự tò mò bẩm sinh, không bao giờ ngừng nghỉ và cũng có tính cạnh tranh cao”.

Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro ngàn cân treo sợi tóc? - Ảnh 2.

Những chuyến đi mạo hiểm có sức hút lớn với người giàu bởi trải nghiệm "hiếm có". Ảnh: Telegraph

Cũng giống như Allen, một số lượng lớn du khách muốn vượt qua ranh giới an toàn để trải nghiệm những điều đặc biệt hơn. Sự tò mò thúc đẩy họ khám phá độ sâu của đại dương, không gian bên ngoài trái đất, nhất là khi họ có đủ tiềm lực tài chính để làm điều đó.

Benedict Allen từng bắt gặp ông chủ cũ của CLB Chelsea, tỷ phú Roman Abramovich đang cố gắng vượt qua eo biển Bering với đội xe trượt tuyết ở vùng viễn Đông băng giá của Nga. Nhà thám hiểm người Anh cũng từng một vài lần được yêu cầu dẫn đoàn có các CEO khá giả vào rừng.

“Khi tôi hỏi một vị khách về việc liệu họ có muốn nhanh chóng thoát khỏi nơi này không, anh ấy trả lời rằng bản thân cảm thấy rất ‘đã’ và cũng không sợ những khó khăn này”, Allen cho biết.

Một bài viết quảng cáo trên trang web của OceanGate Expeditions, công ty vận hành tàu lặn khám phá Titanic, từng giới thiệu về hành trình này “là cơ hội để bạn bước ra khỏi cuộc sống hàng ngày và khám phá điều gì đó thực sự phi thường”. Hiện bài viết này đã bị xoá.

Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro ngàn cân treo sợi tóc? - Ảnh 3.

Tàn tích Titanic từ góc nhìn du khách bên trong tàu lặn OceanGate Titan Ảnh: Telegraph

Tỷ phú Richard Branson là người từng nắm giữ 4 kỷ lục thế giới với những chuyến đi bằng khinh khí cầu và sau đó bay thành công vào vũ trụ. “Trở thành nhà thám hiểm là cảm giác vô cùng thoả mãn về sự tồn tại của bản thân”, tỷ phú người Anh nói.

Theo Business Insider, những người thành công cũng có xu hướng cho rằng họ sẽ thành công trong mọi lĩnh vực, ngay cả những việc họ không có kinh nghiệm hoặc có thể dẫn đến rủi ro lớn như chuyến đi đến tàu Titanic.

“Những người siêu giàu vốn đã có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Vậy nên họ đến những nơi khác lạ để đạt được điều gì đó mà bản thân không bao giờ tưởng tượng được”, Karen Loftus, nhiếp ảnh gia về lifestyle và du lịch xa xỉ cho biết.

Thú vui và biểu tượng địa vị của giới siêu giàu

Sự kiện tàu lặn Ocean Gate mất tích khiến công chúng tò mò hơn về du lịch mạo hiểm, ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ bảng Anh. Những khách hàng tỷ phú khao khát lên tới những đỉnh núi cao nhất, những vùng cực và thậm chí cả ngoài vũ trụ. Bất kỳ ai có đủ thời gian, được đào tạo kỹ năng và đủ tiền bạc đều có thể trở thành một “nhà thám hiểm”.

Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro ngàn cân treo sợi tóc? - Ảnh 4.

Tàu vũ trụ SpaceX Dragon. Ảnh; Telegraph

Thế giới đang chứng kiến cuộc chạy đua vào không gian giữa Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson, những doanh nhân có tầm nhìn đưa các vị khách giàu có ra khỏi quỹ đạo trái đất trong những năm tới.

Kể từ khi doanh nhân người Mỹ Dennis Tito trả 20 triệu USD cho một chỗ ngồi trên tên lửa tới Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2001, hình thức du lịch này trở nên phổ biến với giới siêu giàu.

Hiện nay, để trở thành khách du lịch ngoài không gian thăm Trạm vũ trụ quốc tế, bạn phải bỏ ra chi phí có thể lên tới 47 triệu USD (tương đương 1.104 tỷ đồng) hoặc 450.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) cho một chuyến bay vũ trụ của công ty tỷ phú Richard Branson.

Vì sao các tỷ phú đam mê lặn xuống đáy đại dương thăm tàu Titanic, du hành ngoài vũ trụ dù tốn kém cả nghìn tỷ đồng và luôn có rủi ro ngàn cân treo sợi tóc? - Ảnh 5.

Tàu thám hiểm OceanGate. Ảnh: Telegraph

Chinh phục đỉnh Everest hay thám hiểu đại dương ít tốn kém hơn nhưng cũng có mức giá trên trời mà chỉ những người giàu mới “xuống tiền” được, giúp họ khác biệt với số đông. Chi phí dao động 27.000 - 82.000 USD/chuyến lên đỉnh núi (hơn 600 triệu - 1,9 tỷ đồng) và 213.000 - 750.000 USD/vé tham hiểm đại dương (tương đương 5 - 17 tỷ đồng).

Theo Telegraph, Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại