Vì sao các quy định hàng không rất nghiêm ngặt?

ĐS |

Vận tải hàng không được thống kê là loại hình vận tải an toàn nhất thế giới và các quy định hàng không phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay vẫn không tránh khỏi những sự cố mà chúng ta vẫn đọc được trên báo chí như bắt cóc trẻ em, buôn người, khủng bố... Đó là lý do để hành khách đi máy bay phải tuyệt đối tuân thủ các quy định và hướng dẫn của hãng hàng không.

Quy định hàng không ngăn chặn những kẻ buôn người

Ngày 31/08/2017, trong lúc đang làm việc như bình thường, Denice Miracle, một nhân viên dịch vụ khách hàng của hãng hàng không American Airlines, cảm thấy nghi ngờ hai cô gái khoảng 15 và 17 tuổi khi họ làm thủ tục lên chuyến bay tại sân bay Sacramento, California, Mỹ. Hai cô gái có nhiều dấu hiệu bất thường: không có người lớn đi cùng, không có thẻ căn cước, mua vé bay một chiều và ở khoang hạng nhất. Thẻ tín dụng được sử dụng để đặt vé không mang tên của các cô và có vẻ lừa đảo. 

Từng được đào tạo về nạn buôn người, một mặt, Miracle nhanh chóng liên lạc với cảnh sát, một mặt, anh giải thích tình hình với các cô gái rằng họ sẽ không thể bay vì không có đủ các giấy tờ theo quy định hàng không.

Việc điều tra sau đó phát hiện ra rằng, sau khi làm quen với một người đàn ông có tên là Drey trên Instagram, các cô gái được rủ đến New York vào cuối tuần để làm người mẫu và xuất hiện trong các video âm nhạc với mức thù lao 2.000 USD. Hai cô gái đến sân bay mà cha mẹ không hề hay biết. Họ tin rằng Drey đã đặt vé khứ hồi.

Tuy nhiên, cơ quan pháp luật không thể liên hệ với Drey và Instagram của anh ta cũng đã biến mất. Hai cô gái may mắn không trở thành nạn nhân của nạn buôn người nhờ một nhân viên hàng không đã được đào tạo nghiêm túc và tuân thủ quy định hàng không, nhưng những người khác có thể không may mắn như vậy.

Chỉ cần gõ trên các công cụ tìm kiếm từ khóa "human trafficking" (buôn người), có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện về các vụ buôn người qua máy bay. Và đó chỉ là những trường hợp bị phát hiện. Còn lại, với những trường hợp trót lọt, nhiều con người đã trở thành nạn nhân của tệ mại dâm, buôn bán nội tạng… hay thậm chí là những điều kinh khủng khác.

Năm trước, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng 24,9 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, bao gồm cả nạn buôn người. Mọi quốc gia đều có nguy cơ liên quan, cho dù đó là quốc gia nguồn, quá cảnh hay quốc gia đích.

Do số lượng nạn nhân được vận chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng, các cơ quan có trách nhiệm đã điều phối và nâng cao hoạt động đào tạo nhân viên hàng không của tất cả quốc gia để tăng cường khả năng nhận biết, xử lý các trường hợp buôn bán người bằng đường hàng không, cũng như đảm bảo sự khắt khe trong việc tuân thủ mọi quy định an toàn bay.

Thực hiện theo đúng quy định an toàn bay và theo chỉ dẫn của nhân viên hàng không

Chính vì những nguy cơ nói trên cùng đặc thù hoạt động "trên trời", ngành hàng không luôn có những yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát an ninh và giấy tờ tùy thân đối với hành khách, đặc biệt là các đối tượng vị thành niên.

Tuy nhiên, không phải vị khách nào cũng ý thức được những nguy cơ xảy ra khi tham gia phương tiện vận tải này để hiểu rằng, phải tuyệt đối tuân thủ quy định và hướng dẫn của nhân viên hàng không. Trên mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm thấy những clip hay status "tố" nhân viên hàng không gây khó dễ cho khách hàng, bất chấp sự thật rằng các hành khách đã vi phạm quy định an toàn bay.

Một ví dụ gần đây nhất là vào tháng 5/2019, nhân viên một hãng hàng không ở Việt Nam đã thực hiện đúng quy định hàng không khi không cho một bé gái (14 tuổi 11 tháng) lên máy bay do không có giấy tờ theo đúng quy định hàng không. "Cộng đồng mạng" cùng người thân của bé gái đã nổi giận cho rằng hãng này "không có tình người" và viện lí do là bé gái khi đó đang cùng gia đình vào Tp.Hồ Chí Minh để viếng đám tang.

Nhiều nhân viên hàng không cho biết mỗi khi hành khách nhỏ tuổi không được lên tàu bay vì không có đủ giấy tờ theo quy định hàng không, nhiều người thường lấy lí do các bé đang cùng gia đình đi đám tang, nhưng không có gì khẳng định lí do đó là thật, trong khi nguy cơ buôn bán, bắt cóc trẻ em lại hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên thực tế, có trường hợp gia đình rơi vào hoàn cảnh, nếu xét về tình người, rất cần được tạo điều kiện. Tuy nhiên, việc này chỉ lưc lượng an ninh và công an mới đủ điều kiện kiểm tra, xác minh. Nhân viên hàng không không có đủ thời gian và thẩm quyền xác mình, giải quyết. Nên, việc của họ là làm đúng quy định và khách cần tuân thủ.

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam và thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, trẻ em dưới 14 tuổi không có hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình giấy khai sinh hoặc Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng, chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận.

Với những trường hợp vì lý do nào đó đã đủ 14 tuổi nhưng không có chứng minh nhân dân (chưa làm, bị mất, bị hỏng) thì cần phải xin xác nhận nhân thân mới được lên máy bay. Trong xác nhận nhân thân cần có ảnh để nhân viên sân bay kiểm tra bước 1. Tiếp đến, khách phải qua cửa an ninh, lực lượng chịu trách nhiệm chính về giấy tờ tùy thân có đúng quy định.

Điều đó có nghĩa hành khách nên hiểu rằng việc nhân viên hàng không thực hiện đúng quy định là để ngăn chặn nguy cơ xảy ra những vụ buôn người và ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Vì sao các quy định hàng không rất nghiêm ngặt? - Ảnh 1.

Chỉ một phút giây "du di" cho hàng khách có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. (Internet)

Thế giới sẽ không bao giờ quên sự kiện 11/09/2001 tại Mỹ với một loạt bốn vụ tấn công khủng bố do nhóm khủng bố hồi giáo Al-Qaeda gây ra. Một trong 4 vụ đó là chiếc máy bay mang số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ), gây sụp đổ một phần mặt phía tây của tòa nhà và gây ra cái chết của 189 hành khách.

Cho đến bây giờ, ông V.A – cựu nhân viên soát vé của American Airlines vẫn luôn bị ám ảnh khi nhớ lại, vào lúc ông đang chuẩn bị đóng quầy soát vé tại sân bay Dulles, Virginia thì 2 hành khách đến muộn chạy tới làm thủ tục lên chuyến bay mang số hiệu 77. Ông V.A đã để 2 người này lên máy bay và chỉ vài giờ sau đó, 189 người thiệt mạng bởi 2 kẻ khủng bố.

Việc bỏ qua một số khâu kiểm soát an ninh khi "du di" cho khách hàng như trường hợp của ông V.A trở thành khe hở để lọt khủng bố và gây ra hậu quả khủng khiếp vượt qua sự tưởng tượng của mọi con người. Nếu biết những hậu quả này, những hành khách từng đòi hỏi nhân viên hàng không phải "thông cảm", "chiếu cố" bỏ qua việc không tuân thủ quy định an toàn bay sẽ phải suy nghĩ lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại