Vì sao Bộ Tài chính đề xuất thu thuế nhà và xe?

L.T |

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới và sự cần thiết đố với ngân sách Nhà nước là những căn cứ để Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản.

Tại cuộc họp báo ngày 13/4 về nội dung đề xuất Luật Tài sản, đại diện Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nội dung để dẫn chứng cho tính quốc tế và sự cần thiết xây dựng Luật Tài sản, trong đó có nội dung về Thuế tài sản đang được nhiều người dân quan tâm.

Cụ thể, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau.

Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP.

Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Chính vì thế, theo cơ quan đề xuất, việc thực hiện chính sách thuế đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu NSNN; thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ; mở rộng cơ sở thuế; góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc ban hành Luật thuế tài sản là cần thiết.

Với 3 đối tượng chịu thuế chính theo đề xuất gồm đất, nhà – công trình xây dựng trên đất và tài sản ôtô, tàu bay, du thuyền, Bộ Tài chính cho biết tùy quốc gia, vùng lãnh thổ, các nội dung thuế sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Trong đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước đánh thuế tài sản đối với đất gồm đất ở, đất sản xuất kinh doanh. Đối với đất nông nghiệp, Bungari, Anh, Estonia, Armenia... áp dụng hình thức miễn thuế, còn Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, hầu hết các nước Châu Phi… không đưa vào nội dung đối tượng chịu thuế

Với đề nghị đánh thuế nhà và công trình xây dựng trên đất, Bộ Tài chính lý giải ở nhiều quốc gia cũng đã triển khai từ nhiều năm nay, với lý giải người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước.

Cơ quan này cũng dẫn chứng một số quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định cụ thể đánh thuế đối với nhà sử dụng cho kinh doanh. Cụ thể, tại Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác.

Đài Loan quy định với nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại. Singapore thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà, trong đó có nhà thương mại, công nghiệp. Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh. Brunei chỉ đánh thuế nhà, trong đó có nhà thương mại. Campuchia quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà và công trình trên đất....

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các nội dung đề xuất trong Luật thuế tài sản hiện cơ quan này chưa gửi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương và đăng tải rộng rãi trên website. Việc xin ý kiến các cơ quan này sẽ tiến hành sau vài ngày nữa. Sau đó, dựa trên ý kiến tiếp thu, cơ quan này mới xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại