Vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương y bác sĩ, nhân viên nhiều tháng liền?

Lê Trang/VOV.VN |

160 y bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhiều tháng nay chỉ nhận được mức lương từ 1-3 triệu đồng/người/tháng, trong tháng 12 không được nhận lương. Tình trạng nợ lương đã kéo dài, thậm chí việc cắt giảm lương đã có từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Những ngày gần đây, những dòng chữ như “Hãy cứu lấy Blouse trắng”, “đề nghị trả lương cho chúng tôi”, “Chính phủ, Bộ Y tế cần làm rõ việc tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh và tình trạng nợ lương người lao động” được chính những y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam – Bộ Y tế) căng băng rôn, hô to trước cổng bệnh viện sau giờ tan làm để phản đối tình trạng nợ lương kéo dài của Bệnh viện. 

Sự việc này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khi chính những nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu trong công tác chống dịch lại được nhận mức lương “èo uột” chỉ từ 1-3 triệu đồng/tháng khi bị nợ 50% lương.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề tiền lương của người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Công đoàn Học viện và các phòng chức năng đã gặp gỡ, động viên, đề nghị viên chức, người lao động bình tĩnh, không tụ tập đông người, gây mất ổn định nội bộ.

Lý giải về việc Bệnh viện nợ lương nhiều tháng liền, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng các quy định của Nhà nước và Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và Pháp luật hiện hành.

Vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương y bác sĩ, nhân viên nhiều tháng liền? - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Chính phủ và Bộ Y tế đã huy động nguồn lực của các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực y dược tham gia chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành có dịch, đồng thời đặt công tác chống dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu với mỗi cơ sở y tế.

Trong điều kiện đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu. 

Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý 1/2021 đạt 15%, quý 2 năm 2021 đạt 51,19% và quý 3/2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.

Tuy nguồn thu giảm rất lớn nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm do dịch Covid-19 như mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức, cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Trong đợt dịch vừa qua, Học viện và Bệnh viện đã cử gần 500 giảng viên, sinh viên tham gia phòng chống dịch tại Bắc Giang, TP.HCM và Hà Nội.

Trước những khó khăn đó, từ tháng 5/2021 đến nay, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn trên, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, Học viện đã đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, xin ý kiến Bộ Y tế và đang chờ chỉ đạo trực tiếp cụ thể từ Bộ Y tế.

Cũng liên quan đến sự việc này, chiều 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

Trước đó, như tin đã đưa, trong những ngày gần đây, tập thể hàng chục y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đồng loạt xuống đường căng băng rôn sau giờ làm việc phản đối việc bệnh viện nợ lương nhiều tháng liền, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Chị Lê Thanh Bình, kế toán viên, Tổ trưởng Tổ Công đoàn tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc cho biết, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ chi trả 50% lương cho người lao động, riêng tháng 12, không chi trả bất cứ khoản tiền nào.

“Toàn bộ bệnh viện có 160 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó đa số là điều dưỡng có bằng trung cấp, cao đẳng, phần lớn bác sĩ cũng là nhân viên hợp đồng, không có biên chế nên mức lương rất thấp. Từ khi bệnh viện cắt giảm 50% lương, hiện tại mức lương trung bình của nhân viên y tế tại bệnh viện chỉ giao động từ 1-3 triệu đồng/tháng. 

Trong đó, có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng nhà xa, hàng ngày đi xe máy hàng chục km đến bệnh viện làm việc, nhiều cặp vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng trẻ từ các tỉnh lên Hà Nội thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đại diện công đoàn cũng như tập thể nhân viên y tế bệnh viện đã nhiều lần có ý kiến nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn khi tháng 12 toàn bộ nhân viên bệnh viện không nhận được bất cứ đồng lương nào”, chị Bình cho biết.

Cán bộ công đoàn này cũng cho biết thêm rằng, những vấn đề về lương thưởng tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh không phải chuyện mới, từ năm 2019 khi lãnh đạo bệnh viện bất ngờ xin cơ chế tự chủ tài chính, 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám thì toàn bộ nhân viên bệnh viện đã bị cắt hết phần tiền lương tăng thêm mà chỉ được nhận lương cơ bản nhân theo hệ số.

Điều khiến người lao động băn khoăn nhất là Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y học cổ truyền, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó. Đặc biệt, từ khi chuyển sang tự chủ tài chính, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chưa có định hướng phát triển hay giải pháp cụ thể để tăng nguồn thu, tự đảm bảo tài chính. Tháng 12/2019, toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ của bệnh viện.

VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại