Vì sao bà Phạm Nữ Hiền Ngân được trao danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018"?

Hoàng Đan |

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chương trình tôn vinh nữ hoàng của Hội không phải là một cuộc thi.

Không phải cuộc thi, chỉ là tôn vinh hội viên

Các thông tin liên quan đến bà Phạm Nữ Hiền Ngân, người được nhắc đến với danh hiệu "Nữ hoàng văn hoá tâm linh Việt Nam 2018" trong vài ngày qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Danh hiệu này do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Ô tô Ngọc Minh tổ chức và trao tặng.

Trao đổi với PV vào sáng 8/7, bà Vũ Thị Hoài Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam xác nhận, "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018" do đơn vị trao tặng và nằm trong chương trình "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam".

Theo bà Thanh, trong năm 2018, Hội đã trao hơn 20 danh hiệu liên quan đến "Nữ hoàng" cho các hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Giải thích về việc, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết chưa bao giờ nghe thấy danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam' và không có cuộc thi nào như thế này, bà Thanh cho hay, đây không phải là một cuộc thi mà chỉ là chương trình nhằm tôn vinh cho các hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề.

"Chương trình tôn vinh nữ hoàng của Hội chúng tôi không phải là một cuộc thi, bởi nếu là một cuộc thi thì phải được cấp phép theo đề án và trải qua các vòng thi.

Đây là chúng tôi tôn vinh cho các hội viên có thành tích nổi bật và những gì bên Hội làm có những quy định, quy chế cụ thể, không có gì làm sai, vi phạm cả.

Ngoài việc tôn vinh cho các hội viên, chúng tôi còn làm một số chương trình khác nhưng chủ yếu làm cho các hội viên", bà Thanh nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cho biết thêm, danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018" không phải có một mình bà Hiền Ngân mà có nhiều người khác cùng có đơn tham gia xét để được trao.

"Nếu mà có một mình bà Hiền Ngân thì đâu cần phải xét nữa. Tôi ví dụ ở các cuộc thi khác thì một phải đấu bao nhiêu mới có thể được danh hiệu, nhưng ở bên chúng tôi chủ yếu là hội viên nên chỉ ở trong một chừng mực nào đó", bà Thanh nêu.

Vì sao bà Phạm Nữ Hiền Ngân được trao danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018? - Ảnh 2.

Logo của chương trình được quảng bá trên Facebook.

PV đặt câu hỏi, bà Phạm Nữ Hiền Ngân được trao danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018", vậy tiêu chí nào để Hội tôn vinh danh hiệu này cho bà Ngân?

Bà Thanh trả lời: "Người ta hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề của người ta. Hiền Ngân là một cô đồng và hoạt động trong ngành nghề của cô ấy, nhưng có thể những người nhìn thấy hình ảnh của cô Hiền Ngân hơi nhiều nên không thích. 

Tôi cảm nhận như thế còn sự thật như thế nào mỗi người có suy nghĩ, cảm nhận riêng".

Về câu hỏi, theo quan điểm của bà, cô đồng, hầu đồng có phải một ngành nghề không?, bà Thanh hỏi lại phóng viên, quan điểm như thế nào, đồng thời nói, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và tham gia diễn xướng hầu thánh.

"Bây giờ, diễn xướng hầu thánh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như báo chí, truyền thông đã nêu, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, diễn xướng hầu đồng đã được tôn vinh rất nhiều", bà Thanh nói thêm.

Khi phóng viên đặt vấn đề, tại sao nhiều phụ nữ khác có đóng góp quan trọng, nhiều hơn cho đạo Mẫu, hầu thánh trong việc để UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể, nhưng Hội không vinh danh mà lại chọn cô đồng Hiền Ngân, một người sinh năm 1981 để tôn vinh?, Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trả lời: "Đơn giản vì họ không muốn tham gia. 

Ví dụ những người đó làm hội viên, có đơn đăng ký tham gia chương trình thì chúng tôi sẽ xét.

Tôi đã nói, chương trình này là tôn vinh cho Hội viên chứ không xét toàn bộ xã hội. Hội nào cũng vậy, càng nhiều người tham gia càng tốt, nhưng không thể bao thầu hết toàn bộ Việt Nam".

Đối với việc lựa chọn danh xưng rất "kêu" là "Nữ hoàng" để tôn vinh các cá nhân, bà Thanh cho biết đây là quan điểm và cách nhìn của mỗi người.

Trả lời phóng viên về việc sau khi tôn vinh các danh hiệu này, Hội có giám sát, quản lý để các cá nhân không sử dụng các danh hiệu được tôn vinh để trục lợi không?, bà Thanh cho hay, giống như nhiều chương trình khác, đơn vị tổ chức đều có những hoạt động kiểm tra, nếu hội viên làm tốt phải khen thưởng, còn làm sai sẽ có hình thức xử lý.

Đối với trường hợp "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh" Phạm Nữ Hiền Ngân, bà Thanh cho biết sau khi có thông tin báo chí nêu, sẽ cho kiểm tra lại cụ thể việc này.

Về việc bà Hiền Ngân tham gia làm Phó Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, bà Thanh nói, chỉ nắm được khi truyền thông, báo chí thông tin.

Đã chuẩn bị các giấy tờ để tổ chức

Về việc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động có ý kiến cho biết, Sở chỉ tiếp nhận giấy phép chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN, chứ không có sự kiện Chung kết trao giải nào cả, bà Thanh cho rằng, câu hỏi này phải hỏi bà Nguyễn Thụy Oanh, Phó Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban Tổ chức chương trình để trả lời cụ thể.

"Nếu không có các giấy tờ thì sẽ không tổ chức được nên chúng tôi đã phải chuẩn bị rồi", bà Thanh nói.

Với thắc mắc về việc chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2018 được tổ chức rất lớn, hoành tráng, vậy kinh phí tổ chức được lấy ở đâu?, bà Thanh từ chối trả lời và đề nghị phóng viên liên hệ với bà Oanh để nắm cụ thể.

Theo bà Thanh, chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019 hiện đang trong quá trình xem xét hồ sơ và sau đó, Hội đồng sẽ họp, xét duyệt. Dự kiến, chương trình tôn vinh sẽ tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại