Mùa World Cup năm nay, bên cạnh những câu chuyện về bóng đá, người hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam còn có thêm một chủ đề nữa rất được quan tâm: bản quyền truyền hình.
Sau những ngày tháng thấp thỏm lo âu về viễn cảnh không được "ôm" TV xem những trận cầu đỉnh cao mà có thể phải chờ đến bốn năm một lần mới có dịp được tận hưởng, đúng một tuần trước ngày bóng lăn, VTV mới hoàn thành đàm phán và có được bản quyền phát sóng 64 trận đấu World Cup 2018.
Theo đó, toàn bộ 64 trận đấu năm nay vẫn được phát sóng hoàn toàn trên các kênh truyền hình quảng bá của Đài Truyền hình Việt Nam, đồng nghĩa với việc khán giả sẽ được xem trọn vẹn giải đấu hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng, có lẽ ít ai nghĩ đến viễn cảnh có thể bốn năm tới đây, tại World Cup 2022 Qatar, chúng ta rất có thể sẽ không còn được xem World Cup miễn phí!
Nếu coi bản quyền truyền hình là một mặt hàng được bán ngoài chợ cùng nguồn cung khan hiếm trong khi đó nhu cầu được thể hiện qua tình yêu bóng đá ngày càng tăng cao, tuân theo quy luật cung - cầu mà không nhất thiết phải là người học kinh tế bạn cũng biết nguồn cung có hạn, nhu cầu tăng lên thì giá hàng hoá sẽ tăng lên. Điều này thể hiện đúng với giá bản quyền phát sóng World Cup.
Nếu như vào năm 2006, con số được nhà đài chi ra để mua bản quyền phát sóng World Cup chỉ dừng lại ở con số 2 triệu USD. Đến năm 2010, con số nhích nhẹ lên 2,7 triệu USD và tăng vọt vào năm 2014 với giá 7 triệu USD.
Năm nay, nhà đài chưa tiết lộ con số đã chi ra để mua bản quyền phát sóng World Cup. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết nó đã vượt ra ngoài con số 14 triệu USD. Con số mà VTV đã phải thốt ra rằng "nằm ngoài khả năng tài chính" và "sẽ nỗ lực nhưng không mua bằng mọi giá."
Nguồn này nói 10 triệu USD, nguồn kia nói 14 triệu USD là số tiền đơn vị nắm giữ đưa ra cho Việt Nam nếu muốn mua bản quyền phát sóng. VTV thì kiên quyết không chia sẻ nhưng có một điều có thể khẳng định nó cao đến mức nhà đài "nỗ lực" nhưng cũng chẳng còn mặn mà với việc "phải mua cho bằng được."
Câu chuyện bản quyền đắt không phải là chuyện riêng của người Việt. Tại Mỹ, Fox Sports đã phải trả tới 425 triệu USD để mua bản quyền TV cho World Cup 2018 và 2022 (điều này còn tồi tệ hơn khi đội Mỹ đã để thua đau đơn và không thể tới Nga được tháng 6 này).
Một ví dụ khác là với Đài Truyền hình Quốc gia Bỉ, VTV trong một bản tin về bản quyền phát sóng World Cup dường như đã rất cảm thông khi nhà đài này chia sẻ, đại ý rằng nếu sau khi cân đối hết các vấn đề thu chi, con số còn lại là 0 đô-la và 0 cents thì đã được coi là một thành công.
Khi bản quyền phát sóng World Cup đã chạm đỉnh ở các nước phát triển (ví dụ như con số khó tin 425 triệu USD tại Mỹ) thì đơn vị nắm giữ bản quyền sẽ bắt đầu để ý tới các quốc gia đang phát triển, nhỏ bé hơn nhưng đam mê thể thao vua. Điều này dường như đã thể hiện ở cách mà giá bản quyền truyền hình được đưa ra cho Việt Nam trong mùa giải này.
Dẫu sao đi nữa thì cung cầu thị trường vẫn luôn đúng, nếu như cầu tăng cao, cung vẫn vậy và giá lại không tăng thì bản quyền sẽ chẳng còn là bản quyền và truyền hình cũng chẳng còn là một ngành kinh doanh nữa.
Đầu tháng 6, Amazon, một dịch vụ streaming nội dung trả phí, tuyên bố mua bản quyền độc quyền chiếu một số trận đấu trong giải Ngoại hạng Anh khiến nhiều người bất ngờ. Đây là một ví dụ cho thấy ngành truyền hình sẽ còn thay đổi như thế nào trong tương lai ngay trước mắt.
Chỉ vài năm nữa thôi, có lẽ câu chuyện sẽ không chỉ là là truyền hình trả phí hay truyền hình quảng bá mua được bản quyền. Các ứng dụng xem nội dung theo yêu cầu như Amazon Prime, Netflix… có lẽ cũng sẽ nhập cuộc.Chỉ vài năm nữa thôi, có lẽ câu chuyện sẽ không chỉ là là truyền hình trả phí hay truyền hình quảng bá mua được bản quyền. Các ứng dụng xem nội dung theo yêu cầu như Amazon Prime, Netflix… có lẽ cũng sẽ nhập cuộc.
Cách đây hơn một thập niên, người hâm mộ túc cầu tại Việt Nam cũng quen thuộc với việc cứ cuối tuần này ngồi bên chiếc TV cùng bạn bè thưởng thức bóng đá miễn phí trên các kênh sóng quảng bá của VTV hay HTV.
Lúc ấy, trả tiền để xem TV hãy còn một khái niệm xa lạ với người Việt. Tuy nhiên, đến năm 2007, VTV cũng phải ngậm ngùi chia sẻ với người hâm mộ về việc phải chịu thua mức giá bản quyền quá cao của đối tác nắm giữ bản quyền lúc đó là ESPN và StarSports.
Đến nay, Ngoại hạng Anh tại Việt Nam cũng chỉ còn được chiếu trên các kênh truyền hình trả phí. Viễn cảnh mà cách đây chục năm chúng ta nghĩ còn lâu mới đến, thực tế, đã đến một cách nhẹ nhàng mà có thể chính bạn cũng chẳng nhận ra.
Với giá bản quyền cao, người dùng dần quen với việc móc hầu bao để được xem nội dung, sự phát triển của các kênh truyền hình trả phí (chưa kể đến các dịch vụ streaming của nước ngoài hoàn toàn có thể vào Việt Nam), tương lai người Việt Nam phải trả phí để xem World Cup (như cách chúng ta làm với ELP) sẽ không còn xa. Thậm chí có khi chỉ còn cách 4 năm nữa…