BTV Quốc Khánh dẫn dắt vấn đề: Công việc kinh doanh mà cũng dựa vào trái bóng tròn thì xét trên một khía cạnh nào đó, các nhà đài nhiều khi cũng mạo hiểm chả kém gì người chơi cá độ bóng đá. Mà kinh nghiệm này không ai trả giá đắt hơn hãng Fox của Mỹ. Họ lo mua bản quyền từ rất sớm.
Kênh Fox bỏ ra hơn 400 triệu USD để mua luôn bản quyền phát sóng của hai kỳ World Cup 2018 và 2022, sớm đến mức mà họ không thể tính trước được rằng ĐT Mỹ cuối cùng không thể đến được World Cup 2018 vì những bàn thua khá là ngớ ngẩn trên sân Trinidad và Tobago.
Bên cạnh đó, họ cũng không thể đoán được Panama sẽ là đội thay thế với một bàn thắng mà thậm chí bóng không đi vào lưới. Giờ đây, Fox biết làm gì với một kỳ World Cup mà các trận đấu không có Mỹ sẽ bắt đầu lúc tờ mờ sáng ở bờ Tây và giờ đi làm ở bờ Đông.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Los Angeles cách đây ít ngày, ông David Neal - Giám đốc sản xuất chương trình World Cup của Fox Sport - tự an ủi: "Thôi thì bây giờ thay vì chỉ tập trung vào mỗi câu chuyện của đội tuyển Mỹ, chúng tôi có 32 đội tuyển để mà nói".
Tuy nhiên thực tế, nhân sự đến Nga thực hiện các chương trình của hãng đã giảm từ 450 người xuống còn 200 người
Không chỉ có World Cup , giá bản quyền của rất nhiều giải đấu khác cũng tăng, tăng và chỉ có tăng
Sau thành công của U23 Việt Nam ở giải đấu đầu năm, giá trị bản quyền truyền hình các giải đấu vốn dĩ không quá đắt này, đến lúc này đã là những con số khác hẳn. Khán giả có cảm thấy lo lắng, liệu truyền thông có lại theo sát VTV như trong những ngày qua không nếu VTV không thể phục vụ khán giả những giải đấu này.
AFF Cup 2018 cuối tháng 11, đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự. Môn bóng đá nam tại Asiad vào tháng 8 có đội tuyển U23 Việt Nam đình đám tham dự.
VCK U19 Châu Á - nơi chúng ta từng vào đến bán kết và giành quyền dự World Cup U20 năm ngoái. VCK U16 Châu Á - đây chính là lứa cầu thủ đánh bại chủ nhà Thái Lan giành chức vô địch U15 Đông Nam Á năm ngoái.
Giá trị bản quyền truyền hình của các giải đấu này đã thay đổi rất nhiều kể từ sau cơn sốt của đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng có một thứ chưa chắc đã lặp lại, thậm chí có thể nói là khó lòng lặp lại, đó chính là một kỳ tích như chúng ta đã từng thấy ở Thường Châu vào năm nay. Món hời ư? Rất có thể trở thành món nợ!
Trong tuần rồi, HLV Park Hang-seo có trả lời phỏng vấn trên báo chí mà nói đại ý rằng, người hâm mộ Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho ước mơ World Cup.
Một giả thiết có vẻ không tưởng, nếu đội tuyển Việt Nam giành quyền dự World Cup, giá bản quyền truyền hình cho quốc gia có đội bóng tham dự sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác và ít nhất thì ông Park đã nói đúng ở khía cạnh: Đài truyền hình Việt Nam chưa từng nghĩ đến điều này.
Thực tế cho thấy, biên độ tăng giá bản quyền truyền hình thể thao ở Châu Âu đã bắt đầu giảm đi, và các công ty kinh doanh bản quyền đang hướng máy đếm tiền của mình về những quốc gia như Việt Nam - nơi mà người dân vẫn đang xem nhiều giải đấu lớn miễn phí hoặc trả không nhiều.
Các nhà đài có kênh quảng bá sẽ kết thúc sứ mệnh của mình và các kênh truyền hình trả tiền sẽ vào cuộc. Người xem cũng đừng ngạc nhiên vì điều đó đâu có mới mẻ gì. 20 năm trước, lúc đó có ai nghĩ rồi đến một ngày chúng ta sẽ không bao giờ được xem giải ngoại hạng cuối tuần trên VTV3 nữa.