Làm pháp quan lo về việc xử án, hình luật mà cương trực, ngay thẳng, xét đúng người đúng việc thì dân trăm họ được nhờ. Còn như bóp tròn thành méo, nói có thành không thì cái nạn hình ngục là hậu quả nhãn tiền mà dân phải gánh.
Thế nên, có được ông pháp quan liêm như Trần Thì Kiến dưới đây thì quả là Bao Công tái thế. Trần Thì Kiến (1260-1330) người làng Cự Sa, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Trần Thì Kiến được ví như Bao Công tái thế.
Ông tính cương trực, trước kia là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được Quốc Tuấn tiến cử với vua Nhân Tông (1279-1293) cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường, kế đó đổi qua phủ Yên Ninh.
Theo sử sách, ông là người sở trường về khoa đoán quẻ Kinh dịch. Trước khi quân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai (1284-1285) và thứ ba (1287-1288), ông đã dự đoán chính xác kết quả thắng lợi của chiến tranh.
Đến tháng 4 năm Đinh Dậu (1279), Trần Thì Kiến được bổ dụng làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại an phủ Kinh sư. Chức vụ Kiểm pháp quan của Trần Thì Kiến không phải ngẫu nhiên mà có. Trước hết, bởi tính thanh liêm hiếm có của ông.
Lúc đang làm An phủ sứ Thiên Trường, có người trong hương nơi ông trị nhậm, nhân ngày giỗ đem biếu ông mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác.
Tuy nhiên, mấy ngày sau khi biếu mâm cỗ giỗ ấy lại có việc đến kêu xin, nhờ vả. Khi người ấy trình bày việc vừa dứt, quan Thì Kiến liền móc họng mửa ra, ý là trả cỗ hôm trước không nhận, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám ho he nhờ cậy nữa.
Bởi việc liêm của ông, nên vua Anh Tông thăng làm Kiểm pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó.
Người đời đều khen ông là giỏi xét đoán kiện tụng, lại có câu khen: "Khả dĩ chiết ngục" nghĩa là: trong cương vị một quan tòa có khả năng phân tích hết mọi lẽ rồi mới kết tội.
Sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê khi nói về trường hợp của ông, cũng tấm tắc mà khen: "Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy".
Tháng 12 năm Mậu Tuất (1298), vua Anh Tông lại bổ dụng Trần Thì Kiến là Nhập nội Hành khiển hữu gián nghị đại phu.
Nhà vua thấy Trần Thì Kiến là người cương trực, nên ban cho cái hốt (có tên riêng là "thủ bản", vua quan cầm trong lúc triều yết, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên) và làm bài minh vào cái hốt rằng:
Thái sơn trinh cao,
Tượng hốt trinh liệt,
Lĩnh trĩ trãi giốc,
Vì hốt nan chiết.
Dịch:
Thái sơn rất cao,
Hốt ngà rất cứng,
Linh trãi dâng sừng,
Làm hốt khó gãy.
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Những điều lạ thời Trần", trang 87-89, NXB Văn hóa – Thông tin.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.